Đắk Lắk xúc tiến thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp

Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản trong nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản trong nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Ngày 28/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022.

Đắk Lắk xúc tiến thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp  ảnh 1UBND tỉnh Đắk Lắk trao Quyết định chủ trương đầu tư cho đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Đây là dịp để tỉnh Đắk Lắk giới thiệu về thực trạng, tiềm năng, thế mạnh đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, mang đến cho các nhà đầu tư hình ảnh về một mảnh đất Đắk Lắk giàu tiềm năng phát triển và là điểm đến hấp dẫn, an toàn và đầu tư hiệu quả, là dịp để các địa phương, doanh nghiệp gặp gỡ, khảo sát, trao đổi, bàn thảo về khả năng hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản tại tỉnh Đắk Lắk có hiệu quả.

Đắk Lắk xúc tiến thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp  ảnh 2UBND tỉnh Đắk Lắk ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Năm 2022, nền kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà phục hồi ổn định, đan xen cơ hội và thách thức. Vì vậy, cùng với cả nước, Đắk Lắk cần phải tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi nông nghiệp từ “Tư duy sản xuât” sang “tư duy kinh tế”, hướng đến một nền nông nghiệp tích hợp “đa giá trị”.

Đắk Lắk xúc tiến thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp  ảnh 3Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản trong nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Để phát huy có hiệu quả cao nhất các tiềm năng và lợi thế, dư địa và chủ động vượt qua mọi rào cản, thách thức, Bộ Nông nghiệp và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn Đắk Lắk và các nhà đầu tư cần hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong khu vực triển khai có hiệu quả các nội dung đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cần căn cứ điều kiện thực tế của tỉnh, hàng năm đề xuất danh mục các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của địa phương; tăng cường xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đối tác chiến lược đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, kết nối thị trường để định hướng sản xuất và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Đắk Lắk xúc tiến thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp  ảnh 4UBND tỉnh Đắk Lắk ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Cùng với đó, Đắk Lắk cần chú trọng xây dựng các kênh tiêu thụ, kết nối cung cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối ở trong và ngoài nước; quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương.

Giới thiệu với các nhà đầu tư, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 650 nghìn ha (lớn nhất nước) và 735 nghìn ha đất lâm nghiệp, đặc biệt có trên 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất. Cùng với yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu ở Đắk Lắk ôn hòa, địa hình tương đối bằng phẳng, nguồn nước dồi dào...

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có nhiều nông sản có diện tích, sản lượng, chất lượng hàng đầu cả nước như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, macca, trái cây, mật ong, cá nước lạnh… Đây là tiềm năng để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh, của vùng Tây Nguyên và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường; từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết nông nghiệp với lâm nghiệp ở những nơi có điều kiện, là nhiệm vụ trọng tâm.

Những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển đã được tỉnh đang được cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030 định hướng đến năm 2050, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và hàng năm. Đồng thời, tập trung bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Tỉnh Đắk Lắk cam kết sẽ phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương.

Theo thống kê, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá hiện hành) năm 2021 xấp xỉ 75 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,4 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,64%/năm, cao hơn 1,5 lần so với bình quân cả nước; đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn,

Đắk Lắk xúc tiến thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp  ảnh 5Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh với 72 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-4 sao. Từ năm 2010 đến năm 2021 có 73 dự án với tổng số vốn đầu tư 4.350 tỷ đồng. Hiện nay, có 33 dự án đang làm hồ sơ thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng, 109 dự án, khu vực đề xuất kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản với tổng vốn dự kiến khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư quy mô lớn như Tập đoàn TH, Tập đoàn Xuân Thiện, Chánh Thu, De Heurs...

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1 ngàn tỷ đồng; trao 8 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư với tổng giá trị cam kết đầu tư là trên 23.000 tỷ đồng.

Anh Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm