Tìm giải pháp nâng cao giá trị lúa gạo Đắk Lắk

Tìm giải pháp nâng cao giá trị lúa gạo Đắk Lắk

Với diện tích sản xuất lúa hơn 100 nghìn ha/năm, tỉnh Đắk Lắk là "vựa lúa" lớn nhất Tây Nguyên. Nhiều vùng trồng lúa của tỉnh cho năng suất và chất lượng rất tốt, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, giá trị của lúa gạo vẫn chưa cao, bà con nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.

Tìm giải pháp nâng cao giá trị lúa gạo Đắk Lắk ảnh 1Đắk Lắk chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Anh Dũng – TTXVN

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Giải pháp nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo tỉnh Đắk Lắk" được tổ chức ngày 26/3.

Tại hội thảo các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ định hướng, giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm lúa gạo trên địa bàn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, với khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nguồn nước dồi dào, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện nên Đắk Lắk có nhiều điều kiện để sản xuất nông nghiệp; trong đó có cây lúa nước. Những năm qua, nhìn chung tình hình sản xuất lúa khá ổn định, diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng hầu hết đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng hơn 100 nghìn ha, chiếm khoảng 34,95% diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh. Diện tích lúa nước tập trung nhiều ở các huyện: Lắk, Krông Bông, Ea Kar, Krông Ana, Ea Súp...

Năm 2021, sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Tây nguyên, với diện tích hơn 111 nghìn ha; năng suất bình quân của tỉnh đạt 67,1 tạ/ha đứng đầu khu vực và đứng thứ 2 so với cả nước (sau Phú Yên 71,1 tạ/ha); cao hơn 8,4 tạ/ha so với năng suất bình quân cả nước (năng suất lúa bình quân cả nước là 58,7 tạ/ha). Hầu hết các vùng trồng lúa trong tỉnh sử dụng giống lúa chất lượng cao, nhiều giống lúa mới có chất lượng được công nhận như Đài thơm số 8, RVT, ST 24, ST 25, OM4900, HT1, OM5451… là những giống có chất lượng gạo thơm ngon, xuất khẩu, năng suất bình quân đạt từ 7-8 tấn/ha.

Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số thương hiệu, nhãn hiệu gạo có uy tín bước đầu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận như "Gạo sạch Mười Đào", "Gạo sạch Đồng Nhất" của huyện Lắk, thương hiệu "Gạo Krông Ana" của huyện Krông Ana, thương hiệu "Gạo Bảy Hai Mốt" của Công ty TNHH MTV Cà phê 721 huyện Ea Kar, thương hiệu "Gạo Sạch Thăng Bình HTB" của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thăng Bình (tỉnh Đắk Lắk)...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk Đỗ Xuân Dũng, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk duy trì đảm bảo diện tích gieo trồng lúa 97.000 ha lúa/năm. Thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ hướng dẫn bà con tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng; tập trung xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Bên cạnh đó, triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như Ea Súp, Lắk, Krông Ana, Ea Kar… để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực.

Cùng với đó, để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo, tỉnh Đắk Lắk cũng đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác 4 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tăng cường áp dụng cơ giới hoá vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ; chú trọng xây dựng nhãn hiệu, quảng bá gạo chất lượng cao... ở một số địa phương trong tỉnh.

Nhiều chuyên gia và thương nhân kinh doanh lúa gạo đã công nhận hạt lúa trồng trên Tây Nguyên đạt chất lượng rất tốt, rất ngon. Thế nhưng, với tổng số gần 247 nghìn hecta lúa nước, thu hoạch được hơn 1,4 triệu tấn lúa trong năm 2021 vừa qua, số nhãn hàng gạo Tây Nguyên xây dựng thành công thương hiệu cho vùng trồng vẫn vô cùng ít ỏi. Lượng gạo Tây Nguyên vươn ra thị trường thế giới càng hiếm hoi hơn. Giá trị gia tăng của lúa gạo trên ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng chưa cao, bà con nông dân vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Võ Thị Thiên Nga, Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Nông sản Thiên Anh chia sẻ, qua tìm hiểu của Công ty Thiên Anh thì "nút thắt" là do thiếu nhà máy chế biến đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, giao thông vận tải khó khăn, chưa có vùng trồng lúa đạt tiêu chuẩn, chất lượng VietGap, Global Gap...

"Thực trạng các vùng trồng lúa phân tán, diện tích lúa thuần chủng giá trị cao chưa có nhiều, các hình thức tổ chức liên kết nông dân để quản lý chặt chẽ quy trình canh tác chưa phát triển, phần lớn hợp tác xã chỉ có thể hoạt động với quy mô nhỏ, đang đòi hỏi lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên có giải pháp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của thị trường hiện nay", bà Nga cho hay.

Theo đại diện Công ty Thiên Anh, trong khi chờ các chủ trương lớn ở tầm vĩ mô của Đảng và Nhà nước tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nông nghiệp Tây Nguyên thì mỗi vùng trồng không có giải pháp nào khả thi hơn cho mục tiêu nâng cao giá trị lúa gạo, bằng cách tận dụng các ưu thế về nguồn nước, thổ nhưỡng, khí hậu, kết hợp với đơn vị thương mai để xây dựng thương hiệu lúa gạo đặc sản. Có thể không lớn lắm nhưng đạt các tiêu chí dinh dưỡng và giá trị cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể chào bán vào các thị trường cao cấp, theo cách các Hợp tác xã năng động như Thăng Bình (huyện Krông Bông, Đắk Lắk), Hợp tác xã Buôn Choah (huyện Krông Nô, Đắk Nông) đang triển khai.

Giáo sư Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, ngành hàng lúa gạo đang chuyển đổi tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp" - một thách thức của mô hình nông hộ nhỏ và phân tán. Sự kiện gạo Việt có mặt tại những siêu thị khó tính ở châu Âu là kết quả vô cùng khích lệ, tuy số lượng còn nhỏ so với thị trường lớn là Trung Quốc, Philippines. Để nâng cao giá trị lúa gạo, yêu cầu đầu tiên đối với tỉnh Đắk Lắk là phải sản xuất gạo hàng hóa theo chuỗi giá trị, ứng dụng kinh tế số và kỹ thuật canh tác tiên tiến.

Đắk Lắk không thể phát triển cánh đồng lớn, mà "mô hình nhỏ" nhưng quy trình công nghệ cải tiến "lớn", đó là tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến, kinh tế số. Cánh đồng nhỏ nhưng tập trung, theo mô hình liên kết bền vững trên cơ sở chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo. Mấu chốt là giải quyết được hài hòa lợi ích trong liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp, liên kết giữa ngân hàng và nhà doanh nghiệp sản xuất lúa.

Ngoài giải pháp trên, theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo thì cần phải đa dạng hóa sản phẩm gạo, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ...

Tiến sỹ Lê Đăng Khoa, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), cho rằng để nâng cao giá trị lúa gạo vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi, thu hút doanh nghiệp; nâng cao năng lực cho người sản xuất lúa gạo; phát triển thương hiệu, sản phẩm có chứng nhận chất lượng; hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ...

Theo đó, tỉnh Đắk Lắk cần đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân để nâng cao như kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm; sản xuất lúa theo quy trình GAP, hữu cơ; đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa để giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông dân. Hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp để xây dựng áp dụng quy trình canh tác bền vững và đăng kí, áp dụng các quy trình canh tác để có chứng nhận chất lượng như chứng nhận VietGAP, tiến tới chứng nhận lúa gạo hữu cơ.

Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm để tăng giá bán sản phẩm; quản lý và khai thác tốt chứng nhận chỉ dẫn địa lý lúa gạo làm công cụ để quản lý diện tích, quy hoạch vùng nguyên liệu và liên kết vùng, xây dựng các cụm chế biến gắn với các vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung, với hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm gạo...

Anh Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm