Đắk Lắk là tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp đứng đầu cả nước với trên 627.000 ha. Nông nghiệp cũng là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Đắk Lắk với các loại cây trồng có giá trị kinh tế như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, lúa gạo… Tuy nhiên, gần đây nông dân đang đối mặt giá vật tư đầu vào như phân bón, xăng, dầu… tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng trong khi giá và đầu ra nông sản chưa ổn định. Điều này đòi hỏi nông dân phải thay đổi cách thức canh tác, linh hoạt, thích ứng với biến động thị trường nhằm phục hồi kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhà nông chật vật
Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Cư Suê 2-9, huyện Cư M’gar đi vào hoạt động từ tháng 12/2021 với ngành nghề thu mua nông sản, sản xuất và chế biến cà phê chất lượng cao. Từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh COVID-19 cũng như tác động xấu của vấn đề tăng giá vật tư đầu vào khiến các thành viên đều gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Theo anh Đặng Dậu Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Cư Suê 2-9, bên cạnh những tác động từ dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, vận chuyển, phân phối sản phẩm thì khó khăn lớn nhất vẫn là giá cả vật tư đầu vào tăng cao làm đội chi phí sản xuất và nhà nông vốn đã vất vả nay lại thêm chật vật hơn. Đơn cử như giá phân bón, có những loại giá đã tăng gấp đôi so với vài năm trước đây. Hay mới nhất là giá xăng, dầu liên tục tăng cao ảnh hưởng lớn đến việc vận hành máy móc của hợp tác xã và vấn đề tưới nước trên diện tích cây trồng của các thành viên.
Dù đang vào vụ thu hoạch hồ tiêu với giá tiêu khởi sắc nhưng gia đình chị Lý Thị Diễm Hồng, Thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar không mấy phấn khởi. "Gia đình có 1,5 ha trồng xen hồ tiêu, cà phê, sầu riêng. Thời gian gần đây, giá vật tư đầu vào tăng cùng đó, phí thuê nhân công cũng tăng từ 180.000 đồng/ngày lên 250.000 đồng/ngày khiến chi phí sản xuất tăng cao. Gia đình phải vay mượn hàng chục triệu đồng để có chi phí tái sản xuất cho vụ sau". Chị Lý Thị Diễm Hồng lo lắng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar Nguyễn Công Văn, huyện Cư M’Gar là một trong những địa phương có đất đai, khí hậu rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp với các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do biến động giá cả đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất dẫn đến nhiều khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Làm chủ sản xuất
Theo khuyến cáo của các nhà quản lý, trước biến động giá cả vật tư đầu vào làm tăng chi phí sản xuất, người nông dân cần thay đổi trong sản xuất nông nghiệp, nhất là làm chủ khâu sản xuất theo hướng tiết giảm tối đa chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích cây trồng.
Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Khắc Hiển cho rằng, vấn đề vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp liên tục tăng giá trong thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho nông dân khi chi phí sản xuất tăng cao, nhất là có những sản phẩm phân bón tăng từ 50-100%.
Để định hướng cho người nông dân, giảm tác động của tăng giá vật tư đến nền sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có những giải pháp hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo các nguyên tắc sử dụng phân phù hợp với từng loại cây trồng theo từng thời điểm sinh trưởng; tăng cường sử dụng phân vô hữu cơ, giảm sử dụng phân vô cơ; triển khai các mô hình tưới nước tiết kiệm, nhỏ giọt; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
"Để thực hiện được các nguyên tắc trên, người nông dân cần chủ động trong khâu sản xuất, chủ động vấn đề thăm vườn, canh tác và thực hiện đúng khuyến cáo của nhà quản lý, nhà khoa học để hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, giảm lượng phân không cần thiết cũng như tưới nước hiệu quả cho các loại cây trồng, trách lãng phí. Từ đó giảm chi phí sản xuất, giảm tác động xấu khi vật tư đầu vào tăng giá như hiện nay", ông Nguyễn Khắc Hiển cho hay.
Canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã và đang trở thành xu thế để hướng đến nền sản xuất bền vững. Cách làm này vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Ông Vũ Duy Biên, thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cho biết, cách đây 6 năm, gia đình đã biết cách tận dụng vỏ cà phê, mua thêm phân bò và các chế phẩm khác để ủ phân vi sinh. Với mức chi phí khoảng 10 triệu đồng, chỉ trong 3 tháng ủ thì sẽ có được khoảng 20 tấn phân hữu cơ, giúp gia đình giảm chi phí đầu tư phân bón khoảng 50% nhưng vẫn giúp vườn cây phát triển tốt.
Theo Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Minh, những năm trước đây, phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, nông dân thường vứt bỏ hoặc đốt vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Hiện nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động ủ phân vô cơ để phục vụ sản xuất, nếu thực hiện tốt người nông dân có thể giảm 50% chi phí đầu tư. Điều này giúp người dân giảm thiểu chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cũng như hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh việc tiết giảm chi phí sản xuất, nông dân tỉnh Đắk Lắk cũng đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp trên cùng một diện tích canh tác nhằm duy trì ổn định trong sản xuất và thích nghi tốt với biến động thị trường.
Anh Đặng Dậu Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Cư Suê 2-9 cho rằng, trong bối cảnh vật tư tăng giá thì người nông dân cần chủ động, linh hoạt trong khâu sản xuất để tăng thu nhập bằng cách hướng đến sản xuất bền vững.
Đơn cử như trên một diện tích đất canh tác phải trồng xen canh các loại cây như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái để đa dạng nguồn thu nhập, đồng thời liên kết sản xuất trong các hợp tác xã, tổ sản xuất để tăng cường chế biến sâu, giảm thiểu xuất hàng thô, từ đó hình thành chuỗi sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị của sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế.
Theo ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk, bên cạnh sự chủ động thay đổi trong sản xuất của người dân thì rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước điều tiết giá của các mặt hàng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ nông dân tiết giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh hiện nay.
Để tránh lặp lại câu chuyện ùn ứ, mất giá nông sản vào mùa thu hoạch và mở rộng thị trường tiêu thụ, tỉnh Đắk Lắk cũng ban hành kế hoạch "Hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp số, nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2022".
Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan chọn lựa các loại nông sản tiêu biểu xây dựng trở thành sản phẩm mũi nhọn để đẩy mạnh truyền thông, tạo lan tỏa nhằm xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh Đắk Lắk. Cùng đó, đẩy mạnh hình thức truyền thông như Tuần lễ nông sản, Hội chợ nông sản, xúc tiến phát triển thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Ngoài ra, vận động hộ sản xuất nông nghiệp số hóa dữ liệu chăn nuôi, trồng trọt, chế biến và phân phối thông qua ứng dụng nhật ký chăn nuôi, trồng trọt, chế biến và phân phối, quản lý và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc… để xây dựng các sản phẩm đạt chuẩn đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Tuấn Anh