Đắk Lắk tổng kết 10 năm triển khai chiến lược phát triển văn hóa

Đắk Lắk tổng kết 10 năm triển khai chiến lược phát triển văn hóa
Lễ mừng lúa mới của người Gia Rai trên Cao nguyên Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Lễ mừng lúa mới của người Gia Rai trên Cao nguyên Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa bước đầu đã đạt kết quả nhất định. Các hoạt động về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được đầu tư, tôn tạo, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng, sử thi, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số…Cùng với đó, các thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp để hoạt động thường xuyên, nhất là ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, phường đạt chuẩn văn minh đô thị được các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phối hợp xây dựng và duy trì. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.860 thôn, buôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (đạt 75%), 28/152 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Giá trị truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng được duy trì và phát huy thông qua các đề án “Giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam”, “Nâng cao các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc”...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho rằng, Đắk Lắk có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch văn hóa nhờ những nét đặc trưng văn hóa riêng của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, du lịch Đăk Lăk phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là thế mạnh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chưa phát huy hiệu quả, việc quảng bá văn hóa chưa được đầu tư đúng mức.

Theo bà H’Yim Kđoh, thời gian tới, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của toàn dân, nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cho phát triển cơ sở vật chất sự nghiệp văn hóa. Ngoài ra, ngành đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa phương; tập trung phát triển lĩnh vực du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương… để phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu đất nước.

Dịp này, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng trao giấy chứng nhận cho 24 cá nhân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Tuấn Anh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm