Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk) Nguyễn Hắc Hiển cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk sẽ chuyển đổi 7.886,27 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác.
Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk sẽ chuyển hơn 7.249 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, khoai lang, đậu các loại, rau các loại, thức ăn gia súc; 586 ha trồng cây lâu năm là điều, cây ăn trái, dâu tằm, cây cà phê…; gần 51 ha sẽ phát triển mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản.
Hiện tại, Đắk Lắk đã có 12/15 huyện, thị xã, thành phố đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Một số địa phương có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lớn như: huyện Lắk gần 3.650 ha, huyện Cư Kuin 992 ha, huyện Krông Bông 612 ha, huyện Ea Súp 420 ha,… Ba huyện Buôn Đôn, Cư M’Gar, Krông Năng không đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
Kế hoạch năm 2021, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích gần 906 ha đất trồng lúa. Vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng khác được hơn 301 ha; trong đó, chủ yếu là chuyển sang trồng khoai lang Nhật 160 ha, ngô 40,9 ha, đậu các loại 55 ha, rau các loại 42,2 ha.
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, diện tích trồng lúa kém hiệu quả trong kế hoạch chuyển đổi chủ yếu là diện tích lúa nước thường bị thiếu nước vào cuối vụ, dẫn đến sản xuất không an toàn, người dân bị tổn hại chi phí sản xuất mà không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Số diện tích phải chuyển đổi đã được các địa phương rà soát, điều tra, kiến nghị.
Thực tế trong thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là chuyển sang trồng cây khoai lang. Tuy nhiên, việc chuyển đổi còn manh mún, chưa nhiều, chưa thành vùng lớn gây khó khăn cho việc bố trí thời vụ. Tại một số địa bàn, người dân tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách tự phát, chạy theo giá cả thị trường nên đầu ra của sản phẩm thiếu tính ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Do đó, việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây khác giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm giúp nông dân giải quyết được vấn đề nước tưới, hạn chế được thiệt hại, đồng thời tận dụng tối đa đất sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định. Hơn nữa, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác phù hợp theo hướng tập trung sẽ thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, hạn chế khả năng thiệt hại mùa màng do thiên tai gây ra.
Ông Nguyễn Hắc Hiển khuyến cáo, các địa phương thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa căn cứ vào kế hoạch của tỉnh, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2021-2025 cụ thể, chi tiết, phù hợp với thực tiễn địa phương. Trên diện tích đất lúa chuyển đổi, các địa phương cần quy hoạch bố trí cây trồng hợp lý, gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước tưới.
Đặc biệt, hàng năm, các huyện, thị xã, thành phố phải rà soát lại diện tích trồng lúa kém hiệu quả, báo cáo, bổ sung với ngành nông nghiệp tỉnh để việc thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao hơn và chủ động tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của tỉnh.
Hoài Thu