Cuộc sống mới ở vùng khó khăn Sơn Thủy, Tuyên Quang

Cuộc sống mới ở vùng khó khăn Sơn Thủy, Tuyên Quang

Năm 1973, hưởng ứng phong trào đi khai hoang của Tổ quốc, 19 hộ dân ở huyện Hưng Hà (Thái Bình) tới thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) lập nghiệp, xây dựng đời sống mới. Sinh sống trên vùng đất mới đã gần 50 năm, cũng là khoảng thời gian người dân thôn Sơn Thủy chịu cảnh thiếu điện, sống trong ánh đèn dầu leo lét, ánh điện phập phù kéo tạm. Giờ đây, người dân thôn Sơn Thủy đã thỏa niềm mơ ước bấy lâu khi nguồn điện lưới quốc gia đã về tới từng hộ gia đình. Cuộc sống của họ đã đổi thay.

Sơn Thủy là thôn xa nhất của xã vùng cao Yên Thuận. Thôn có địa hình đồi thấp phù hợp để trồng chè nên những người đi khai hoang khi đặt chân đến đây đã xác định trồng chè là cây chủ lực để phát triển kinh tế. Hơn 150 ha chè đã giúp người dân thôn Sơn Thủy có cuộc sống no đủ, kinh tế phát triển hơn những thôn khác trong xã. Tuy nhiên, do nằm ở vị trí xa xôi, đường giao thông đi lại khó khăn, gần 50 năm qua nguồn điện lưới quốc gia không đến được với người dân thôn Sơn Thủy.

Cuộc sống mới ở vùng khó khăn Sơn Thủy, Tuyên Quang ảnh 1Nhờ có nguồn điện lưới, người dân thôn Sơn Thủy có điều kiện theo dõi thông tin qua tivi, mạng internet. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Ông Phạm Quang Khởi, Trưởng thôn Sơn Thủy chia sẻ, năm 1996, xã Vô Điểm (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) giáp ranh với thôn Sơn Thủy được nhà nước đầu tư trạm biến áp, 80 hộ dân thôn Sơn Thủy đã góp hơn 100 triệu đồng để mua dây, dựng cột kéo điện qua sông về sử dụng. Thế nhưng, vì là dây trần, đường điện lại xa, bị hao tải, khi về đến thôn, nguồn điện rất yếu chỉ để thắp sáng và giá điện cao gấp nhiều lần so với giá điện nhà nước bán ra.

Những gia đình khá giả ở Sơn Thủy mua được ti vi, tủ lạnh cũng chỉ để “làm cảnh” vì điện quá yếu không thể sử dụng được. Trong cái khó, nhiều hộ gia đình đã cố gắng khắc phục bằng cách đầu tư các thiết bị năng lượng mặt trời, dùng máy nổ để bơm nước, sử dụng quạt tích điện... Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời, hiệu quả thấp mà chi phí cao. Không có điện lưới cũng là yếu tố kìm hãm sự phát triển kinh tế của người dân trong thôn.

Cuộc sống mới ở vùng khó khăn Sơn Thủy, Tuyên Quang ảnh 2 Công trình cấp điện cho 2 thôn Sơn Thủy và Lục Khang, xã Yên Thuận từ dự án cấp điện nông thôn, miền núi với mức đầu tư trên 7 tỷ đồng, Ảnh: Quang Cường – TTXVN.

Trước đây, khi chưa có điện, người dân trong thôn thu hoạch xong rồi bán chè tươi cho thương lái ở huyện Bắc Quang (Hà Giang) về sơ chế. Nhiều hộ gia đình có ý định đầu tư xây dựng xưởng chế biến nhưng vì nguồn điện không đảm bảo nên không ai dám đầu tư.
Ông Phạm Văn Bừng, thôn Sơn Thủy cho biết, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được trên 50 tấn chè búp tươi. Do không có điện lưới, ông chỉ bán sản phẩm thô với giá từ 2.500-3.000 đồng/kg cho thương lái, trừ hết chi phí lời lãi chẳng còn là bao.

Trước những khó khăn về thiếu điện của người dân thôn Sơn Thủy, giữa tháng 6/2021, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã đầu tư xây dựng công trình cấp điện cho hai thôn Sơn Thủy và thôn Lục Khang, xã Yên Thuận từ dự án cấp điện nông thôn, miền núi. Với tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng, công trình có 5,2 km đường dây 35kV; 6,113 km đường dây 0,4kV, tổng công suất 300kVA, cấp điện cho 621 hộ dân. Sau hơn 2 tháng thi công, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, thôn Sơn Thủy cho biết, từ khi có điện lưới quốc gia, người dân trong thôn ai cũng phấn khởi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên; trẻ em được học hành trong điều kiện tốt nhất… Cửa hàng may mặc của chị đông khách hơn nhờ có điện.

Cuộc sống mới ở vùng khó khăn Sơn Thủy, Tuyên Quang ảnh 3Nhờ có điện nên người dân thôn Sơn Thủy mở rộng kinh doanh, dịch vụ nâng cao thu nhập. Ảnh: Quang Cường – TTXVN.

Đối với gia đình ông Phạm Văn Bừng, từ khi có điện, gia đình ông đã đầu tư xây dựng xưởng chế biến chè, lắp hệ thống điện 3 pha và thành lập Hợp tác xã Chè xanh Thuận Thủy với hơn 10 thành viên tham gia. Đến cuối năm, Hợp tác xã của ông Bừng sẽ sản xuất mẻ chè đầu tiên, từng bước xây dựng thương hiệu cho cây chè ở vùng Sơn Thủy, để nâng cao giá trị sản phẩm chè cũng như nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Đức Lời, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thuận Yên cho biết, hiện trên địa bàn xã có 13/14 thôn, bản đã có điện lưới quốc gia. Từ khi có điện, đời sống của người dân thôn Sơn Thủy đã được nâng lên rõ rệt cả vật chất lẫn tinh thần. Để nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân cũng như thực hiện công tác giảm nghèo, UBND xã Yên Thuận đang khuyến khích người dân đầu tư máy móc, thiết bị thành lập các hợp tác xã chế biến nông, lâm sản, mở rộng kinh doanh các dịch vụ sửa chữa máy móc, đa dạng hóa các ngành nghề để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cuộc sống của người dân thôn Sơn Thủy đã đổi thay kể từ khi có điện. Nguồn điện không chỉ mang lại ánh sáng, tri thức, sự tiện nghi mà còn là điều kiện để người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở những vùng khó khăn.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm