Giải cơn "khát chữ" trên vùng khó Hàm Yên

Giải cơn "khát chữ" trên vùng khó Hàm Yên

Những ngón tay thô ráp, nhăn nheo của các mẹ, các chị do lao động và tuổi tác, vẫn đang miệt mài, nắn nót theo từng con chữ. Lớp học xóa mù chữ tại các thôn Thác Đất, Ngòi Tèo, Kim Long, xã Minh Dân (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) vang vọng tiếng đọc bài i tờ mỗi tối giữa màn đêm lạnh giá. Tan lớp, các bà, các mẹ lại soi đèn pin lội suối, vượt đồi trở về nhà trong niềm vui và tiếng cười rộn rã.

Giải cơn "khát chữ" trên vùng khó Hàm Yên ảnh 1 Lớp học xóa mù chữ ở xã Minh Dân, Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Lớp học xóa mù chữ được triển khai từ giữa tháng 9/2020, với 3 điểm trường ở các thôn Ngòi Tèo, Thác Đất, Kim Long (xã Minh Dân), với sự tham gia của 21 giáo viên, 80 học viên ở độ tuổi từ 40-60. Phụ trách đứng lớp là các thầy cô giáo Trường Tiểu học Minh Dân. Thời gian học từ 20 giờ đến 22 giờ 30 tất cả các ngày trong tuần.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Dân Vũ Hồng Cường cho biết, để hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mức độ II, ngoài vận động thầy cô giáo giảng dạy các lớp học xóa mù chữ, nhà trường còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động để người dân tham gia. Các thầy, cô giáo mặc dù ban ngày đứng lớp, nhưng khi được vận động giảng dạy đều rất nhiệt tình hưởng ứng. Nhà trường đã phân công mỗi lớp 7 giáo viên thay nhau giảng dạy. Dù chỉ là việc làm mang tính tự nguyện nhưng các thầy, cô giáo đều tận tâm giúp đồng bào Dao (Áo dài) đến gần hơn với con chữ.

Giải cơn "khát chữ" trên vùng khó Hàm Yên ảnh 2Các thầy cô giáo luôn tận tình hướng dẫn cho bà con học chữ. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Mặc dù ở cái tuổi đã được bế cháu nhưng bây giờ các bà, các mẹ mới bắt đầu làm quen với cây bút. Các mẹ chia sẻ: Đôi bàn tay đã quen với dao rừng, cuốc đất nên phải luyện viết nhiều mới theo ý mình được.

Vì không biết đọc, biết viết, kéo theo nhiều điều phiền toái trong cuộc sống nên dù tuổi đã cao nhưng các bà, các chị vẫn quyết tâm đi học.

Giải cơn "khát chữ" trên vùng khó Hàm Yên ảnh 3Học viên say sưa cùng những cái chữ nơi vùng cao. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Bà Lý Thị Hoàn ở thôn Nước Mỏ, xã Minh năm nay tròn 60 tuổi, là học sinh cao tuổi nhất lớp. Bà từng là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nước Mỏ, cũng là người có uy tín nên được bầu làm lớp trưởng.

Theo bà Lý Thị Hoàn, là cán bộ, vì không biết chữ nên khi đến từng thôn vận động chị em tham gia các chương trình rất khó khăn. Ngoài ra, do không đọc được văn bản nên khi truyền đạt lại cho hội viên thường không chính xác. Chính vì vậy, hoạt động của hội hiệu quả không cao, đó là động lực để bà theo đuổi con chữ.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Minh Dân Nguyễn Thị Lan cho biết, để thành lập được lớp học và giúp các bà, các chị giải cơn "khát chữ" là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính quyền xã. Bởi lẽ, quan điểm của nhiều chị em còn lạc hậu, đôi khi ngại ảnh hưởng đến gia đình, rời xa công việc hàng ngày để cầm cây bút. Cán bộ phụ nữ, đoàn thể, giáo viên đã không quản khó khăn đến từng nhà vận động việc học chữ. Nhờ kiên trì vận động, sau gần một năm, lớp học đã được mở.

Giải cơn "khát chữ" trên vùng khó Hàm Yên ảnh 4Niềm vui được học chữ của học viên người Dao xã Minh Dân. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Yên Trịnh Thị Bình khẳng định, trong những năm qua, công tác xóa mù chữ luôn được UBND huyện quan tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ người trong độ tuổi chưa biết chữ. Đến nay, huyện Hàm Yên đã đạt chuẩn biết chữ mức độ 2; tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 35 biết chữ đạt gần 100%; tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ đạt trên 91%. Chỉ riêng trong năm 2020, một số xã trên địa bàn đã thực hiện tốt việc mở các lớp xóa mù chữ, điển hình như Minh Dân (3 lớp với 80 học viên), Bạch Xa (một lớp với 36 học viên), Bằng Cốc (2 lớp với 46 học viên), Minh Hương (4 lớp với 153 học viên).

Nhờ sự nỗ lực từ cấp chính quyền đến nhà trường cũng như đồng bào Dao ở Minh Dân, sau 4 tháng học chữ, người dân rất phấn khởi, tự tin với từng con chữ. Những điều tưởng như đơn giản ấy nhưng lại có ý nghĩa lớn lao đối với người dân nơi đây. Đây sẽ là bước ngoặt để người nông dân tiếp cận gần hơn với tri thức, nâng cao dân trí, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Nam Sương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm