Đã thành thông lệ, khi mặt trời khuất núi, chị Vàng Thị Chi, người dân tộc Mông ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên lại dành thời gian để tham gia lớp học xóa mù chữ. Ảnh: Hoàng Hà |
Lào Cai là tỉnh có hơn 20 dân tộc, chủ yếu là đồng bào: Mông, Dao, Tày, Nùng..., tỷ lệ chưa biết chữ còn cao, tập trung tại các huyện: Mường Khương, Văn Bàn, Bát Xát... Để giải quyết thực trạng này, Lào Cai đã sớm ban hành Đề án "Xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ giai đoạn 2015 - 2020”.
Người thầy mang quân hàm xanh - Thiếu tá Viêm Trọng Toàn, Đồn phó Đồn biên phòng A Mú Sung, huyện Bát Xát tham gia dạy học ở các lớp xóa mù chữ. Ảnh: Hoàng Hà |
Với sự quyết tâm, bền bỉ của những người làm công tác giáo dục, nhiều lớp xóa mù chữ đã liên tiếp được mở. Từ năm 2016 đến nay, Lào Cai mở được 154 lớp xóa mù chữ; xóa mù chữ cho trên 10.000 người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi, gồm cả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi đạt 93,89%; nâng tỷ lệ người DTTS biết chữ mức độ 1 (học viên học hết chương trình lớp 3) lên 93,89%, mức độ 2 (học viên học hết chương trình lớp 4, lớp 5) đạt 96,72%.
Trong suốt 3 năm qua, khi chiều xuống, có trên 10.000 người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi ở các xã vùng cao tỉnh Lào Cai rủ nhau đến các lớp học xóa mù chữ ban đêm. Ảnh: Hoàng Hà |
Tại các xã Thanh Bình, Cao Sơn (huyện Mường Khương); xã Nậm Cang, Nậm Sài (huyện Sa Pa), xã Trịnh Tường, Ngải Thầu (huyện Bát Xát), xã Gia Phú, Thái Niên (huyện Bảo Thắng)…, sau khi tham gia lớp học xóa mù chữ, hầu hết đồng bào đã biết đọc, biết viết, biết làm tính cơ bản. Cô giáo Đặng Thu Hiền, người đã gắn bó với nghề hơn 20 năm ở xã A Mú Sung (huyện Bát Xát) chia sẻ: Dạy chữ cho người lớn khó khăn hơn nhiều so với dạy trẻ em. Ngoài việc đôn đốc đồng bào đến lớp, cô giáo còn phải giải thích cho đồng bào hiểu lợi ích của việc biết chữ.
Tại các lớp học xóa mù chữ, các học viên được học tiếng Việt và toán cơ bản. Ảnh: Hoàng Hà |
Với mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, ngành giáo dục Lào Cai sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào; duy trì chương trình giảng dạy xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ phù hợp với công việc, tập quán của người DTTS; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là trong khâu xây dựng kế hoạch, duyệt và giao kế hoạch mở lớp xóa mù chữ; lấy thôn làm đơn vị chủ yếu để chỉ đạo điều tra, mở lớp, duy trì nề nếp; phát huy vai trò trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, bản, tổ dân phố trong tổ chức mở lớp xóa mù chữ.
Anh Đào – Hoàng Hà