Cửa ngõ Tây Nam vươn mình: Giữ nguồn nước, thu hút "đại bàng"

Sau gần nửa thế kỷ với khát vọng đổi thay miền đất trắng, giữ được nguồn nước là một quyết sách táo bạo đúng với “Ý Đảng, lòng dân” tại Tây Ninh. Từ việc xây dựng công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á – hồ Dầu Tiếng, đến hệ thống kênh thủy lợi nội đồng phụ trợ, nhờ đó, Tây Ninh đã đưa nước sạch đến tận ruộng, biến những mảnh đất hoang sơ, khô cằn trở nên màu mỡ, nhiều dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn đã tìm về.

vna_potal_kiem_soat_khai_thac_nguon_loi_thuy_san_tren_song_ho_o_tay_ninh_7546040.jpg
Hồ Dầu Tiếng trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước là nơi mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản của hơn 4.000 hộ dân sinh sống ven hồ. Ảnh: Giang Phương - TTXVN

Quyết sách táo bạo

Tây Ninh hiện có 4 hồ chứa nước (Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2), 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao… phục vụ cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho 150.270 ha/3 vụ (khoảng 75% diện tích sản xuất nông nghiệp tại tỉnh).

Hồ Dầu Tiếng rộng hơn 27km2, dung tích 1,58 tỷ m3 nước, là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, trải dài qua 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, có vai trò rất lớn về nông nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ. Đây là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia.

Thế nhưng, việc mở nguồn nước hồ Dầu Tiếng ở thời điểm hơn 40 năm trước là một quyết sách vô cùng táo bạo. Từ những ngày đầu tiên khi công trình được thai nghén và thực hiện những bước đầu trên thực địa đã phải đối mặt với rất nhiều ý kiến trái chiều, nhất là về tính hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng khó có thể chặn được dòng nước sông Sài Gòn để tích nước bởi hồ nước có quy mô quá lớn. Những trở ngại từ niềm tin khiến việc khiển khai dự án vốn dĩ đối mặt nhiều thách thức lại càng gian nan.

vna_potal_tay_ninh_quan_ly_chat_che_khai_hoat_dong_thac_cat_xay_dung_trong_ho_dau_tieng_7457873 (1).jpg
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 74 phương tiện tàu khai thác cát được cấp phép hoạt động trong công trình thủy lợi theo quy định. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Là một trong những người gắn bó với công trình hồ Dầu Tiếng ngay từ những ngày đầu thi công đến khai thác, vận hành sử dụng, ông Phạm Văn Yên, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh kể lại, sau giải phóng, kinh tế đất nước và của tỉnh rất khó khăn. Tây Ninh từng được biết đến là vùng nắng nóng, đất đai khô cằn, không thể canh tác vì thiếu nước. Tuy nhiên, từ sau quyết định của Trung ương, công trình hồ Dầu Tiếng đem lại những niềm tin và hy vọng trong lòng dân về tương lai tươi sáng cho nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo.

Ngày 29/4/1981, tại ấp Thuận Bình (xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng chính được khởi công. Người dân địa phương tự nguyện góp đất, hăng hái góp công xây dựng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi 100 triệu USD của Ngân hàng Thế giới, trang thiết bị, máy móc đã được đầu tư tương đối hiện đại với quyết tâm xây dựng công trình có quy mô lớn nhất nước này.

Đã có hàng trăm ngàn người được huy động từ khắp cả nước về Tây Ninh xây dựng công trình hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á sau này. Có gần nửa triệu lượt đoàn viên thanh niên được huy động, với gần 15 triệu ngày công, đào đắp được gần 12 triệu m3 đất. Vượt bao khó khăn, khi nước bắt đầu đổ về hồ Dầu Tiếng cũng là lúc niềm tin của nhân dân lên cao nhất, nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cũng bắt đầu cất cánh.

Là đơn vị chịu trách nhiệm chính quản lý hồ Dầu Tiếng, ông Trần Quang Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện tại, hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa được thiết kế phục vụ khai thác đa mục tiêu. Trong đó, các mục tiêu chính là cấp nước tưới cho 104.828ha đất nông nghiệp; cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh, Long An; đẩy mặn, hỗ trợ nguồn nước tưới cho 28.800 ha ven sông Sài Gòn và 32.317 ha ven sông Vàm Cỏ Đông. Đồng thời hồ giữ vai trò cắt giảm lũ, phát triển nuôi trồng thủy sản; khai thác tài nguyên khoáng sản. Hồ cũng được tận dụng để phát điện với tổng công suất thiết kế là 20,5MW; tận dụng mặt nước, đất bán ngập để phát triển điện mặt trời với công suất 610MW...

Từ khi có nguồn nước hồ Dầu Tiếng, tỉnh đã phát triển hệ thống thủy lợi hoàn thiện, được đánh giá là lớn nhất cả nước, với tổng chiều dài các tuyến kênh trên 2.000km, đảm bảo nước tưới quanh năm cho sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân thông tin, khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, với vị trí địa lý đặc thù, địa hình bị chia cắt với hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng bởi sông Vàm Cỏ Đông nên toàn bộ vùng sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân tại 2 huyện biên giới Châu Thành (gồm các xã Hòa Hội, Thành Long, Ninh Điền, Long Vĩnh) và Bến Cầu (xã Long Phước, Long Khánh, Long Chữ) chủ yếu dựa vào thủy triều ven sông Vàm Cỏ Đông hoặc phụ thuộc vào tự nhiên. Điều này khiến vùng diện tích sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân nhiều năm thường xuyên “khát nước” vào mùa khô.

Từ cuối năm 2022, khi Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn I) hoàn thành đã phát huy công năng cung cấp nguồn nước sạch từ hồ Dầu Tiếng, giúp “giải hạn” cho phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp, giúp người dân tăng số vụ canh tác, tăng lợi nhuận, đồng thời phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống.

vna_potal_tay_ninh_quan_ly_chat_che_khai_hoat_dong_thac_cat_xay_dung_trong_ho_dau_tieng_7457872 (1).jpg
Tàu khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng được các ngành chức năng giám sát chặt chẽ. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài 117,8 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng (đã hoàn thành giai đoạn I). Dự án có nhiệm vụ đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông. Nhờ đó, 16.953 ha đất nông nghiệp của người dân các huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu đã "giải hạn". Hiện, UBND tỉnh Tây Ninh đã lên kế hoạch triển khai giai đoạn 2 của dự án, với tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng; trong đó 100 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, chờ phân bổ thêm 500 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương.

Thu hút “đại bàng về làm tổ”

Giải quyết tốt được nguồn nước, hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao tìm về, đặc biệt là những “đại bàng” ngành chăn nuôi tìm về làm tổ. Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã đầu tư 7 dự án thuộc chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh. Các dự án này bao gồm hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu và nhà máy chế biến thực phẩm với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỉ đồng. Các dự án đã và đang triển khai hoạt động mở ra bước tạo đà hiệu quả trong phát triển nông nghiệp bền vững và kinh tế xanh, tuần hoàn của Tây Ninh.Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus toàn cầu cho rằng, với dư địa lớn, nguồn tài nguyên nước dồi dào, cùng cách làm bài bản của Tây Ninh đã mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm sản xuất quy mô lớn, trong đó có De Heus.

Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn nhấn mạnh, đơn vị này sẽ cùng các thành viên xây dựng chuỗi liên kết gồm: DHN, Bel Gà, Green Chicken, Visakan, Big Duchtman, Bio Agritech HN tạo chuỗi giá trị khép kín "từ nông trại tới bàn ăn". Chuỗi giá trị này sẽ mang lại giá trị doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2030, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc thông tin, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị là định hướng phát triển ưu tiên, là một bước đột phá chiến lược của tỉnh. Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, những năm qua, nông nghiệp Tây Ninh đã có bước phát triển và gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được phát huy và nhân rộng. Đặc biệt, tỉnh đã và đang thu hút được các nhà đầu tư tâm huyết, trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp dẫn dắt, kết nối với người nông dân nhằm tạo chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu.

Để nâng tầm ngành nông nghiệp, thời gian tới, Tây Ninh sẽ tập trung chú trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, tập trung quy mô lớn để không còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ như trước đây. Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đưa chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, từ đó có thể sống và làm giàu từ nông nghiệp.

Thanh Tân – Giang Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm