Tây Ninh hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, cận nghèo

UBND tỉnh Tây Ninh vừa thống nhất triển khai chính sách hỗ trợ đất đai đối với người dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, người dân tộc thiểu số trong diện được hưởng chính sách sẽ được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh, được miễn, giảm tiền thuê đất để bảo đảm ổn định cuộc sống.

UBNDtinhTayNinh.png
Ngày 15/10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh, Trần Văn Chiến đồng chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 10, cho ý kiến các nội dung quan trọng trong đó có chính sách hỗ trợ đất đai đối với người dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ảnh: baotayninh.vn

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh Văn Tiến Dũng thông tin, ở tỉnh hiện chưa ban hành Nghị quyết về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc hỗ trợ chính sách đất đai lần đầu cho người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo để bảo đảm ổn định cuộc sống là điều cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện UBND tỉnh đang tiến hành xây dựng Nghị quyết để trình HĐND tỉnh thông qua trong thời gian tới.

Để đảm bảo chính sách được công bằng, minh bạch khi áp dụng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, cần có quy định chặt chẽ và phải có ràng buộc đối với chính sách. Trong đó, có quy định đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở Tây Ninh ít nhất 5 năm trở lên; không có đất sản xuất, đất ở... trong hạn mức theo quy định thì mới được thụ hưởng chính sách này.

Chính sách chỉ áp dụng cho người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Ninh chưa có đất ở, không còn hoặc thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở theo quy định của tỉnh; chưa có đất nông nghiệp, không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất do UBND tỉnh quy định; có nhu cầu thuê đất phi nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh không phải đất ở.

Quỹ đất để thực hiện chính sách được bố trí từ quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý ở tỉnh; đất thu hồi thuộc các dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số quy định tại khoản 29 Điều 79 Luật Đất đai hoặc từ quỹ đất do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý và được hỗ trợ về phí, lệ phí trong quá trình thực hiện các thủ tục đất đai…

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (theo quy định) thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nếu đã được cấp đất lần đầu nhưng hiện đang khó khăn, không còn đất ở, đất sản xuất, sẽ được xem xét tiếp tục giao đất theo quy định của UBND tỉnh. Trường hợp đất ở và đất sản xuất chưa đủ bảo đảm theo diện tích tối thiểu (không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất do UBND tỉnh quy định) thì căn cứ vào quỹ đất địa phương sẽ xem xét để hỗ trợ. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ngoài vùng đồng bào dân tộc thiểu số (người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rải rác ở tỉnh) thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhưng chưa có đất ở, đất sản xuất cũng sẽ được xem xét cấp đất một lần.

Đối với chính sách trên, ngày 26/7/2024, Bộ Nội vụ cũng đã có Công văn số 4429/BNV-PC, đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh căn cứ vào quỹ đất của tỉnh quản lý và thẩm quyền của chính quyền địa phương, báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định thực hiện chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định.

Tây Ninh có đường biên giới dài khoảng 240 km, tiếp giáp 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia (gồm SvayRieng, Prey Veng và Tbong Khmum). Toàn tỉnh có 21 dân tộc thiểu số với hơn 5.551 hộ/20.415 nhân khẩu, nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer (khoảng 2.392 hộ/9.229 nhân khẩu, chiếm 0,77% dân số) sống chủ yếu tại các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và thị xã Hòa Thành. Đến hết năm 2023, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, toàn tỉnh Tây Ninh có 16 hộ nghèo và 48 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số.

Minh Phú

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm