Khi những "vết thương" chiến tranh còn chưa kịp lành lại sau ngày Miền Nam hoàn toàn thống nhất (30/4/1975), quân và dân Tây Ninh đã tiếp tục đồng lòng, sát cánh để bảo vệ biên giới Tây Nam. Gần nửa thế kỷ quyết tâm khôi phục kinh tế, xã hội với những quyết sách đúng đắn, hợp lý của “Ý Đảng, lòng dân” từ Trung ương đến địa phương, tỉnh vùng biên nghèo nàn năm nào nay đã “thay da, đổi thịt”.
Một lần nữa phát huy sức mạnh tổng hợp từ những “căn cứ huyền thoại của lòng dân”, căn cứ địa cách mạng ở miền Nam, quân và dân Tây Ninh đã tạo ra điểm nhấn về kinh tế, đặc biệt là ghi dấn ấn trên bản đồ du lịch cả nước.
Vươn mình sau chiến tranh
Trước năm 1975, Căn cứ Trung ương cục miền Nam, thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh - từng được xem là “Thủ đô kháng chiến” của miền Nam, nằm trong khu rừng già trên tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt đi vào hồi kết, thống nhất 2 miền Nam Bắc (30/4/1975). Thế nhưng, niềm vui hòa bình chưa lâu, vết thương chiến tranh chưa kịp hàn gắn, quân và dân Tây Ninh đã tiếp tục sát cánh cùng với lực lượng Quân khu 7, phối hợp với lực lượng vũ trang Campuchia đánh đổ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pol Pot, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Tây Ninh đã kiên cường đứng dậy cùng những quyết sách từ Trung ương đến địa phương. Tây Ninh được xác định có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng do có đường biên giới dài gần 240km gồm 5 huyện, thị xã giáp Campuchia, với nhiều đường mòn, lối mở. Hiện, Tây Ninh có 16 cửa khẩu gồm: 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam), 3 cửa khẩu chính (Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân) và 10 cửa khẩu phụ. Đây là thế mạnh nhưng cũng là thách thức rất lớn để đưa Tây Ninh vươn mình phát triển trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ.
Từ năm 2010, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đã làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Tây Ninh đã "thay da đổi thịt", toàn bộ 20/20 xã biên giới của tỉnh đều về đích nông thôn mới.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt 6,12%, cao hơn mức bình quân chung cả nước, xếp thứ 2 vùng Đông Nam Bộ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,5%, duy trì trong nhóm 15 tỉnh, thành phố thu hút FDI cao của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,6 tỷ USD, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách nhà nước đạt 11.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch; 5 năm liền nằm trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia luôn ổn định, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Tính đến tháng 10/2024, Tây Ninh có 65/71 xã (92%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới là 18,1 tiêu chí, trong đó, có 25 xã (35%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã (4%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Dự kiến đến cuối năm 2024, sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 68/71 xã (95,7%), đạt 100% so với kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp thực hiện các Chương trình năm 2024 hơn 719 tỷ đồng.
Giai đoạn 2020 – 2025, quy mô kinh tế của tỉnh tăng 50% so với giai đoạn 2015 – 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 76,8% trong GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12,8%/năm.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, hệ thống hạ tầng nông thôn Tây Ninh đến nay ngày càng được nâng cấp hơn. Tỉnh đã có 4.630 km đường giao thông nông thôn và đầu tư cải tạo 272 công trình thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu cho hơn 28.520 ha đất nông nghiệp. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 98 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Tỉnh cải thiện hạ tầng giáo dục, hệ thống y tế và cơ sở vật chất văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn dự kiến đạt 68 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024. Nhờ đó, những mảnh đất vùng biên tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng dần được hồi sinh và đang có những phát triển mới.
Điểm nhấn trên bản đồ du lịch
Từ một vùng đất biên giới "vô danh", giai đoạn 2018 – 2024, Tây Ninh đã nổi lên trên bản đồ du lịch cả nước. Trung bình mỗi năm du lịch Tây Ninh thu hút trên 5 triệu lượt khách, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được tập trung đầu tư trở thành khu du lịch độc đáo bật nhất Đông Nam Bộ; 3 năm liên tục (năm 2022 – 2024) nằm trong nhóm 5 điểm du lịch thu hút đông du khách nhất cả nước.
Tây Ninh xác định mục tiêu chọn du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Theo đó, Tây Ninh đã tập trung các chính sách, nguồn lực để đầu tư, nâng tầm ngành du lịch. Đặc biệt, những năm gần đây, ngành Du lịch của tỉnh có được những gam màu sáng nhờ “đánh thức” các tiềm năng, lợi thế như: chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh; về nguồn ở “Thủ đô kháng chiến” Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; ngôi chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự (chùa Bà) trên 300 năm tuổi ở núi Bà Đen; Di tích Tháp Chót Mạt hàng ngàn năm tuổi... Cùng với đó là những đặc sản vật trứ danh mang thương hiệu “rất Tây Ninh” như: bánh tráng Trảng Bàng, muối tôm Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen, Nghệ thuật chế biến món ăn chay Tây Ninh...
9 tháng của năm 2024, các khu, điểm du lịch Tây Ninh đã thu hút gần 4,5 triệu lượt du khách (tăng 7,1% so với cùng kỳ, đạt 81,5% so với kế hoạch); tổng doanh thu du lịch đạt 2.384 tỷ đồng (tăng 41,7% so với cùng kỳ, đạt 103,7% so với kế hoạch). Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc nhận định, du lịch đang là một gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội tổng thể của tỉnh những năm gần đây. Tây Ninh đang tập trung các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Trong 9 tháng qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh có xu hướng phục hồi tốt, tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt 7,2%. Các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, hàng loạt ý tưởng, chương trình hợp tác được Tây Ninh triển khai đã mang lại hiệu quả cao giữa thời đại số và kết nối xuyên địa lý. Trong đó, Tây Ninh đã tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với 6 tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ; ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024 – 2029 với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group). Đây là cơ hội để Tây Ninh và các địa phương trong vùng đẩy mạnh khai thác thế mạnh sản phẩm đặc thù, tiêu biểu. Thông qua đó, giúp xây dựng, phát triển các loại hình du lịch công nghiệp, đường sông, làng nghề truyền thống, vui chơi giải trí, văn hóa… đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Tỉnh cũng tăng cường thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch với các tỉnh, thành phố phát triển của Vương quốc Campuchia, kết nối hợp tác với các địa phương Hàn Quốc.
Theo ông Trần Anh Minh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, một số khu, điểm du lịch hiện đã được đầu tư nâng cấp, các sản phẩm, dịch vụ được cải thiện về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, lượng du khách đến ngày càng nhiều, tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hóa, thực phẩm, đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ mang hình ảnh đặc trưng của Tây Ninh.
Thanh Tân – Giang Phương