Tỉnh Tây Ninh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kết nối với thị trường Campuchia. Với tài nguyên đất đai rộng lớn, cơ chế, chính sách thuận lợi, Tây Ninh đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư xây dựng chuỗi liên kết nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Với nhiều chính sách phù hợp như: hỗ trợ lãi vay phát triển sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) và nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản..., Tây Ninh đang là một trong những địa phương tích cực thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC.
Giữa tháng 5/2024, Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, liên doanh Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đang đẩy nhanh 7 dự án trọng điểm của Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh giai đoạn 2025 - 2030 với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Theo ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương là lý do thu hút nhiều doanh nghiệp thuộc EuroCham đến Tây Ninh đầu tư và triển khai dự án.
Đến nay, Tây Ninh có Trang trại bò sữa Vinamilk đạt chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Một số doanh nghiệp cũng áp dụng CNC vào sản xuất như: trang trại gà đẻ của Công ty trách nhiệm hữu hạn QL Vietnam Agroresources (Malaysia); Nhà máy ấp trứng gia cầm CNCo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bel Gà Tây Ninh, công suất trên 19 triệu gà con/năm; Công ty cổ phần đường Biên Hòa; Công ty trách nhiệm hữu hạn Hưng Thịnh… Tập đoàn Hùng Nhơn đang phối hợp với Cục Thú y xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm đạt chứng nhận HACCP, GlobalGAP, ISO 22000, Halal.
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo chuỗi giá trị là định hướng phát triển ưu tiên và đột phá của tỉnh. Chuỗi Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN là một trong những dự án quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, kinh tế xanh, tuần hoàn của địa phương. Từ đó gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường.
Tây Ninh đặt mục tiêu phát triển 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi. Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Giang Phương