Áo sơ mi được làm từ polymer giống như túi nhựa. Quần jean có các mảnh ngọc bích nghiền nhỏ có tác dụng làm mát. Quần áo được chế tạo bằng cách sử dụng máy dệt kim vi tính để có sự thông thoáng vượt trội hoặc được sản xuất bằng công nghệ làm mát vốn dành cho trang phục của các phi hành gia tại Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA).
Khi biến đổi khí hậu gây ra những đợt nắng nóng gay gắt hơn, con người đã có những sáng tạo và cải tiến trong việc sản xuất quần áo với tính năng làm mát, thấm hút mồ hôi tốt hơn để tăng khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Bà Lorna Hall, chuyên gia của công ty WGSN chuyên theo dõi và dự báo xu hướng tiêu dùng, cho biết quần áo được thiết kế để nâng cao khả năng chống chịu nắng nóng đang chuyển từ những sản phẩm vốn chỉ phù hợp cho một số nhóm đối tượng trở thành xu hướng phổ biến.
Mặc càng tối giản càng tốt
Theo Tiến sĩ George Havenith, Giáo sư Sinh lý học môi trường tại Đại học Loughborough ở Anh, việc mặc ít quần áo là giải pháp tốt nhất để tránh nóng. Điều này có thể bao gồm thúc đẩy việc cho phép mặc quần soóc trở thành trang phục công sở được chấp nhận. Ông Evan Gold, Phó Chủ tịch điều hành của Planalytics, đánh giá tác động của thời tiết đến nhu cầu của người tiêu dùng, cho biết trong 5 năm qua, chỉ riêng những thay đổi về thời tiết đã làm tăng doanh số bán quần soóc và dép lên 0,5%, trong khi doanh số bán áo khoác ngoài và lông cừu sụt giảm 1%. Ngay cả việc cởi cúc cổ áo cũng có thể là một giải pháp hữu ích. Trong đợt nắng nóng vào mùa Hè này, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã yêu cầu các quan chức và nhân viên khu vực tư nhân không cần đeo cà vạt, mà theo ông sẽ giảm nhu cầu sử dụng máy lạnh và do đó tiết kiệm năng lượng.
Quần áo làm mát giá thành không hề rẻ
Ngoài giải pháp trên, việc sản xuất quần áo làm mát hoặc có tính năng tỏa nhiệt cũng được nhiều thương hiệu thời trang hướng đến, song giá thành cũng không hề rẻ. Một trong những sản phẩm như vậy có giá cả phải chăng nhất là áo phông AIRism của hãng Uniqlo (15 USD/1 áo), trong đó 1 phiên bản được pha trộn giữa polyester và spandex, và một loại khác được dệt từ 71% cotton pha với 25% polyester và 4% spandex. Tuy nhiên, phiên bản polyester-spandex (thun lạnh) lại thường ôm sát vào cơ thể, tạo ra cảm giác khó chịu, trong khi Uniqlo mô tả kết cấu này là "bóng mượt". Ngược lại, phiên bản cotton tạo cảm giác dễ chịu lúc đầu, tạo ra hiệu ứng làm mát ban đầu. Dù vậy, khi mặc trong nhiệt độ cao, quần áo loại này thường bám dính vào da, tạo cảm giác giống như đổ mồ hôi lạnh.
Có giá nhỉnh hơn một chút là áo phông làm mát Cooling Temp-iQ của Dickies (20 USD), pha trộn 50-50 giữa cotton và polyester, mà nhà sản xuất hứa hẹn mang lại "cảm giác mát mẻ tức thì". Một phát ngôn viên của công ty cho biết hãng đã sử dụng "một công nghệ tiên tiến được thiết kế để làm mát hoặc làm ấm dựa trên các tín hiệu của cơ thể". Tuy nhiên, loại quần áo này, mặc dù dễ chịu trên da, nhưng không tạo ra cảm giác mát lạnh.
Một chiếc áo có tác dụng làm mát đáng chú ý là do công ty LifeLabs sản xuất. Áo CoolLife Tee này có giá 49 USD được làm từ polyethylene, một loại polymer tương tự được sử dụng trong túi nhựa. Nó tạo ra một cảm giác mát mẻ, không khác gì "đi chân trần trên sàn gạch".
Với mức giá tương tự, một công ty ở Boston (Mỹ) được các cựu sinh viên Học viện Công nghệ Massachusetts thành lập, đã tung ra thị trường áo Atlas Tee với giá 48 USD. Theo ông Gihan Amarasiriwardena, nhà đồng sáng lập và chủ tịch của công ty, chiếc áo được thiết kế bằng cách sử dụng dệt kim vi tính, một công nghệ tương tự như in 3-D giúp tạo ra khoảng trống bổ sung giữa các sợi vật liệu. Kết quả là chiếc áo có cảm giác dày dặn hơn một chút so với chiếc áo sơ mi tiêu chuẩn, như thể đang mặc một lớp đệm nhẹ, song vẫn mang lại cảm giác mát mẻ. Tuy nhiên, chi phí sản xuất lại tương đối cao khi mỗi chiếc áo Atlas tiêu tốn 9,6 USD - gấp 4 lần chi phí mà một nhà sản xuất quần áo điển hình có thể phải trả.
Các nhà sản xuất hàng may mặc khác cũng đang sử dụng các công cụ công nghệ cao khác nhau. Kontoor Brands, một công ty có trụ sở tại bang North Carolina (Mỹ) sở hữu 2 thương hiệu Wrangler và Lee, cho biết sẽ bắt đầu bán áo sơ mi làm mát "Insta-Cool" ở Mỹ vào năm tới với phiên bản sử dụng công nghệ vốn được dùng để sản xuất trang phục cho các phi hành gia của NASA. Theo ông Dhruv Agarwal, Giám đốc cấp cao của Kontoor về sự đổi mới, tính bền vững và phát triển sản phẩm, công nghệ này tạo ra hiệu ứng làm mát lâu dài và ấn tượng. Tại thị trường châu Á, Kontoor cũng đã bán quần jean có các mảnh ngọc bích được nghiền thành bột và trộn vào vải nhằm truyền cảm giác mát lạnh của đá vào quần áo.
Hầu hết các sản phẩm may mặc có công nghệ làm mát được bán trên thị trường cũng hứa hẹn đảm bảo cho người mặc luôn cảm thấy thoáng mát, không bị bí bách thông qua khả năng thấm hút mồ hôi. Tuy nhiên, Tiến sĩ Glen Kenny, Giáo sư Sinh lý học tại Đại học Ottawa (Canada), cho rằng việc đổ mồ hôi là cơ chế làm mát tự nhiên của cơ thể và việc quần áo có khả năng thấm hút mồ hôi cao có thể gây phản tác dụng. Lý do là bởi mồ hôi sẽ nguội đi thông qua quá trình bay hơi, một quá trình truyền nhiệt từ cơ thể vào không khí. Quá trình bay hơi diễn ra càng gần da người, nhiệt năng tiêu hao trong quá trình này càng nhiều. Khi quần áo thấm hút mồ hôi ra khỏi da, điều này giữ cho cơ thể khô ráo nhưng làm cho quá trình bay hơi kém hiệu quả hơn trong việc làm mát. Ông cho rằng quần áo thấm mồ hôi chủ yếu làm cho mọi người cảm thấy thoải mái, song đây là một mục tiêu khác với làm mát.
Bài toán hóc búa
Trong một số trường hợp, việc sản xuất quần áo có tính năng làm mát hoặc phù hợp với nhiệt độ cao có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề khí hậu khác. Một trong những loại sợi tự nhiên thoáng khí nhất là cotton. Tuy nhiên, dữ liệu của Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy để trồng đủ 454g bông xơ cần tới gần 1.600 lít nước trong 1 năm. Loại bông tốt nhất để giữ nhiệt thường được gọi là bông Pima hoặc bông Ai Cập, giúp quần áo mỏng hơn và nhẹ hơn. Tuy nhiên, theo USDA, việc trồng Pima thậm chí còn đòi hỏi nhiều nước hơn so với bông chất lượng thấp hơn. Dẫu vậy, các loại sợi tự nhiên như bông chí ít cũng có thể phân hủy sinh học. Trong khi đó, polyester thấm mồ hôi có nguồn gốc từ dầu mỏ thì có thể mất nhiều thập kỷ hoặc hơn để phân hủy, qua đó đặt ra thách thức khác đối với các nhà sản xuất quần áo vốn đang chịu áp lực từ các nhà môi trường. Bà Sara Kozlowski, Phó Chủ tịch của Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ, nhận định sự đánh đổi giữa việc sản xuất quần áo làm mát, có khả năng thích ứng khi nhiệt độ tăng cao và tính bền vững đặt ra một "bài toán hóc búa".
Phương Oanh