Một gia đình nông dân Tanzania sử dụng điện từ ắc quy của hiLyte với chi phí sạc chỉ là 12 US cent cho 5 tiếng sử dụng. Ảnh: Phi Hùng - PV TTXVN tại Nam Phi |
Theo phóng viên TTXVN tại miền Nam châu Phi, được cấu tạo bởi 4 ngăn riêng biệt, loại ắc quy có khả năng tái sử dụng này tiêu thụ 4 loại nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có trên thị trường bao gồm giấy lọc cà phê, sắt cán mỏng, vải sợi carbon và hỗn hợp dung dịch nước - bột đồng sulfate. Chính quá trình phản ứng hóa học giữa sắt và dung dịch sẽ tạo ra nguồn điện một chiều.
Quy trình tái nạp ắc quy bao gồm việc đưa lần lượt các nguyên liệu vào từng ngăn của ắc quy. Bước đầu tiên là đưa miếng sắt vào ngăn trong cùng, sau đó giấy lọc cà phê rồi cuối cùng là vải sợi carbon. Bước thứ hai là đổ dung dịch lên ngăn chứa trên đỉnh ắc quy. Dung dịch này sau khi thấm dần qua miếng lọc cà phê sẽ gây ra phản ứng hóa học với miếng sắt và tạo ra hạt electron, qua đó phát ra dòng điện. Trong khi đó, miếng vải sợi carbon đóng vai trò cách nhiệt trong quá trình phản ứng hóa học.
Ông Briac Barthes, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp hiLyte, cho biết sau mỗi lần nạp những nguyên liệu trên, ắc quy có khả năng thắp sáng 1 bóng đèn LED trong vòng 5 giờ. Bên cạnh đó, ắc quy còn được trang bị 1 cổng USB để sạc điện thoại. Hiện tại, chi phí để mua nguyên liệu nạp cho mỗi lần phát điện chỉ khoảng 12 cent Mỹ, thấp hơn đáng kể so với việc mua dầu hỏa để thắp sáng trong một thời gian tương đương. Đặc biệt, sau 5 giờ sử dụng điện, phần nguyên liệu tiêu hao có thể bỏ đi mà không hề gây hại đến môi trường. Hiện tại, ắc quy của hiLyte đang được dùng thử nghiệm tại một số vùng nông thôn của Tanzania và bước đầu nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng.
Theo ông Briac, loại ắc quy tiện dụng và rẻ tiền này sẽ làm thay đổi cơ bản đời sống của người nghèo sống ở những vùng nông thôn châu Phi, nơi phần lớn chưa được cung cấp điện lưới. Ánh sáng điện không chỉ tạo điều kiện cho mọi người gần gũi nhau hơn, mà còn giúp các em nhỏ được học bài trong điều kiện đủ ánh sáng, qua đó góp phần nâng cao dân trí. Giá dự kiến của ắc quy hiLyte nằm trong khoảng 12 USD, rẻ bằng một nửa so với chi phí mua một chiếc đèn sử dụng dầu hỏa truyền thống.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2017, hiLyte do hai sinh viên tốt nghiệp Học viện Công nghệ Lausanne của Thụy Sĩ sáng lập. Hiện tại công ty khởi nghiệp này tập trung vào nghiên cứu và sản xuất các giải pháp năng lượng sạch với chi phí thấp dành riêng cho các khu vực chưa được cung cấp điện lưới trên thế giới, hiện đang chiếm khoảng 13% dân số toàn cầu.
Phi Hùng