Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung đang được tỉnh Yên Bái khuyến khích, hỗ trợ đã mang lại cho người chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao, lan tỏa rộng khắp với quy mô ngày càng lớn. Từ đó, mở ra cơ hội bứt phá mới góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa.
Làm giàu từ chăn nuôi đại gia súc
Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương về đất đồi rừng và khí hậu, cùng sự thay đổi trong nhận thức, tập quán chăn thả và chủ động học hỏi, nắm bắt kinh nghiệm chăn nuôi, nhiều hộ gia đình ở tỉnh Yên Bái nhanh chóng thoát nghèo, từng bước làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung.
Đây là mô hình chuyển đổi phương thức chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, chăn thả gia súc tự do sang chăn nuôi tập trung có quy mô tối thiểu từ 10-15 con gia súc trở lên, tận dụng nguồn cỏ xanh tự nhiên kết hợp nguồn cỏ trồng, cùng hệ thống chuồng trại tiêu chuẩn, gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh.
Điển hình như mô hình nuôi hàng trăm bò cái sinh sản và nuôi nhốt vỗ béo tập trung từ 100-120 con trâu mỗi lứa, Hợp tác xã Thiên An đóng tại địa bàn thôn Cây Tre, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình có 9 xã viên đã đầu tư hàng nghìn mét vuông chuồng trại, với 12 ha đất trồng cỏ VA06, mỗi năm xuất bán hàng trăm con trâu, bò thịt và bò giống, cho lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng mỗi năm.
Cũng giống như mô hình của nhiều hộ dân tại huyện vùng cao Trạm Tấu, ông Giàng A Hồ, bản Sáng Pao, xã Xà Hồ đang chăn nuôi trâu, bò tập trung với quy mô thường xuyên trên 30 con trâu, bò sinh sản và thương phẩm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ nuôi trâu, bò mà ông Giàng A Hồ đã nuôi được 5 người con học hết đại học và cao đẳng.
Ông Giàng A Hồ chia sẻ, cách nuôi trâu, bò có hệ thống chuồng trại đạt tiêu chuẩn đã tránh thời tiết khắc nghiệt của vùng cao, nhất là giá rét vào mùa đông. Hơn nữa, chăn nuôi tập trung giúp gia đình ông có điều kiện theo dõi, chăm sóc và tiêm phòng đầy đủ cho đàn trâu bò, chủ động được lượng thức ăn dự trữ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, hạn chế dịch bệnh. Đặc biệt là được thương lái đặt mua từ trước khi trâu, bò đến thời kỳ xuất bán.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả tập trung đã thu hút, hấp dẫn nhiều đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, nhất là thanh niên vùng cao. Tiêu biểu như anh Giàng A Hồng ở bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi trâu, bò sinh sản tập trung. Sau ba năm, từ 6 con bò và 3 con trâu giống, đến nay tổng đàn trâu, bò của anh Hồng thường xuyên duy trì trên 30 con, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho thấy, nhờ phát triển nhanh chóng mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung, toàn tỉnh hiện có gần 1.100 cơ sở chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gia súc chính là 705.000 con; trong đó, đàn trâu đạt gần 100.000 con, đàn bò 37.000 con. Dự kiến cho sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong năm 2022 đạt gần 50.000 tấn, tăng 7,5% so với năm 2021.
Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, phát triển chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hóa, nhất là chăn nuôi đại gia súc đang là hướng thoát nghèo bền vững, nhanh chóng làm giàu cho rất nhiều hộ nông dân của tỉnh Yên Bái. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp người dân khai thác được tiềm năng, thế mạnh vật nuôi ở địa phương, chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn sinh học cho các cơ sở chăn nuôi.
Nghị quyết tiếp sức chăn nuôi
Nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung, từ tháng 2/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 69 về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hóa được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm.
Theo đó, đổi mới các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, thay đổi căn bản cách tiếp cận việc hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân phát triển chăn nuôi tùy theo quy mô, ưu tiên phát triển sản phẩm theo hướng đặc sản hữu cơ, từng bước gắn với xây dựng thương hiệu.
Là một trong gần 30 hộ dân trên địa bàn huyện Văn Yên được nhận số tiền 30 triệu đồng hỗ trợ đợt đầu (tháng 3/2021) từ Nghị quyết 69 của tỉnh Yên Bái, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Liệu, thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp đã đầu tư thực hiện mô hình nuôi bán chăn thả với quy mô ban đầu 10 con bò cái sinh sản. Đến nay, quy mô đàn bò đã có 22 con, với 15 con bò cái sinh sản, hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc bán bò giống.
Phấn khởi trước thành quả đạt được, ông Nguyễn Văn Liệu chia sẻ, cùng với số tiền tích góp của gia đình và số vốn hỗ trợ của chính quyền đã giúp ông liệu mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại, trồng gần 1 hét ta cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Hơn thế, từ khâu chọn mua con giống, chăm sóc cho tới phòng, chống dịch bệnh cho bò luôn được cán bộ thú y tư vấn, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp cho các thành viên trong gia đình. Nhờ vậy, đàn bò của gia đình ông luôn béo tốt, khỏe mạnh.
Cũng từ “cú hích” của Nghị quyết 69 mà hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cầu, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại và 2,5 hét ta trồng cỏ để nuôi vỗ béo trâu, bò thương phẩm. Đến nay, gia đình ông Cầu luôn duy trì quy mô quy mô 60 con trâu, bò thương phẩm mỗi lứa, cho thu nhập từ 300 đến 400 trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Đặng Duy Hiển, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết, sau 1,5 năm triển khai, hàng trăm hộ dân được hỗ trợ xây dựng chuồng trại theo quy chuẩn; được tập huấn kỹ thuật theo quy trình an toàn sinh học, khép kín; được hỗ trợ một phần mua con giống và cán bộ thú y giám sát dịch bệnh. Từ đó, đã hình thành phương thức chăn nuôi mới, với quy mô tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho thấy, tính đến nay tổng nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 đã giải ngân đạt gần 40 tỷ đồng; trong đó, riêng hỗ trợ chăn nuôi gia súc chính theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đạt gần 25 tỷ đồng. Tuy số tiền hỗ trợ trên toàn tỉnh chưa lớn, nhưng làm “đòn bẩy” chuyển đổi phương thức chăn nuôi đại gia súc cho người dân trên địa bàn.
Từ thực tế kết quả đạt được, ông Vũ Quỳnh Khánh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khẳng định, chính sách đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, tạo động lực giúp người dân thay đổi nhận thức, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chất lượng đàn trâu, bò được nâng cao. Nhờ vậy, tổng số đàn gia súc chính của tỉnh Yên Bái tăng nhanh, tạo ra sự bứt phá mới để chăn nuôi gia súc phát triển.
Tiến Khánh