Ứng dụng máy cắt cỏ để tăng hiệu quả dinh dưỡng, giảm giá thành chăn nuôi tại hộ gia đình ở Tuyên Quang. Ảnh: Nam Sương – TTXVN. |
Tính đến 10/2018, tổng đàn trâu, bò cả nước đạt trên 8 triệu con, tăng so với cùng thời điểm năm 2017 là trên 81 ngàn con. Sản lượng thịt xuất chuồng khoảng hơn 400.000 tấn; trong đó các tỉnh miền núi phía Bắc có số lượng trâu bò đáng kể với trên 2.300.000 con, chiếm khoảng 29% tổng số trâu, bò trên cả nước.
Tuy nhiên, chăn nuôi các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn còn chưa bền vững, giá trị gia tăng thấp; việc quản lý còn nhiều thiếu sót, bất cập; áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chậm; đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi còn thấp, chưa thu hút được doanh nghiệp và nhà đầu tư; trong chăn nuôi còn tiềm ẩn những yếu tố về phát sinh dịch bệnh và môi trường…
Đoàn chuyên gia về nông nghiệp đến thăm mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. Ảnh: Nam Sương – TTXVN |
Tại diễn đàn, các chuyên gia nông nghiệp đã đóng góp nhiều giải pháp nhằm khôi phục và phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các tỉnh phía Bắc như: chuyển đổi phương thức chăn nuôi; cải tạo về giống về thức ăn; vệ sinh thú y và phòng, chống bệnh…. Theo đó, tập trung xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích xây dựng các nhóm hộ liên kết trong sản xuất, đặc biệt hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tại địa phương, tạo chuỗi sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào, chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ.
Đại diện Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để tăng thu nhập cho các hộ chăn nuôi, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng và an toàn, cần phải xây dựng và tổ chức theo từng chuỗi giá trị; trong đó, có sự tư vấn và giám sát từ khâu đầu vào sản xuất, giết mổ, tới khâu vận chuyển, bảo quản, đóng gói và phân phối sản phẩm. Đồng thời, có chiến lược quảng bá sản phẩm nhằm khai thác lợi thế của sản phẩm.
Theo ông Đặng Ngọc Nga, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Thọ, để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi đại gia súc cần tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Chẳng hạn như thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò; đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ dẫn tinh viên; tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò và lợi ích của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Nuôi gia súc góp phần cải thiện đời sống người dân ở Tuyên Quang. Ảnh: Nam Sương – TTXVN |
Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyên nông Quốc gia nhấn mạnh, để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bền vững, thời gian tới, các tỉnh miền núi phía Bắc cần quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng lâu dài, an toàn, bền vững, hiệu quả cao và có khả năng cạnh tranh.
Địa phương tổ chức tuyển chọn nhân giống, nhập giống để có giống tốt cung ứng cho người chăn nuôi; phổ biến áp dụng các quy trình kỹ thuật gieo trồng, sử dụng những giống tốt, năng suất cao như ngô, đậu tương và đưa các loại cỏ cao sản như cỏ VA06, cỏ vắt chông phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Khuyến khích người chăn nuôi thực hiện quy trình thực hành chăn nuôi tốt nhằm giúp họ chăn nuôi tốt hơn, phòng dịch hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, sản phẩm đồng đều và an toàn hơn; đồng thời, tăng cường giám sát thú y, thực hiện tốt các quy trình phòng trừ dịch bệnh và các quy trình của ngành thú y; đảm bảo khống chế dịch bệnh, quản lý được chất thải trong chăn nuôi, xây dựng nhanh các quy định, các tiêu chí nội dung về quản lý môi trường trong chăn nuôi; tăng cường phòng chống đói, rét cho đàn gia súc đặc biệt là cho trâu, bò vào mùa đông…
Phùng Nam Sương