Chuyển đổi số trong lĩnh vực hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân

Chuyển đổi số trong lĩnh vực hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân

Với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giờ đây, người dân có thể ngồi tại nhà thực hiện các thủ tục hộ tịch. Điều này không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, mà còn tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân ảnh 1Hoạt động giao dịch các lĩnh vực tại bộ phận một cửa thành phố Đồng Xoài (Bình Phước), cơ sở dữ liệu được tích hợp và giám sát tại IOC tỉnh Bình Phước. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

* Rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục

 Công tác hộ tịch luôn được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng, thực hiện nền nếp, kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đạt được một số thành quả nhất định. Bộ đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Theo đó, bản điện tử giấy tờ hộ tịch có giá trị sử dụng như giấy tờ hộ tịch bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến; có giá trị thay thế các giấy tờ hộ tịch bản giấy khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các nhiệm vụ về công tác hộ tịch mà Bộ, ngành Tư pháp được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg được toàn ngành quan tâm, tập trung thực hiện, qua đó đã tạo chuyển biến rõ nét, đạt được kết quả bước đầu. Nổi bật là Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã phối hợp triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu khai sinh từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi (hoàn toàn trên môi trường điện tử) tại tất cả các địa phương trên toàn quốc, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an xây dựng Quy trình cấp định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng Quy trình đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến để thực hiện tích hợp trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh/Cổng dịch vụ công cấp quốc gia…

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2022, Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung ghi nhận có hơn 26,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh; hơn 3,9 triệu hồ sơ đăng ký khai tử; hơn 113 nghìn trường hợp nhận cha mẹ con; 14 nghìn trường hợp đăng ký giám hộ;12 nghìn trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi và trên 28 nghìn trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc…

* Cung cấp dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch


Theo báo cáo của các Sở Tư pháp, đến nay, các địa phương đều đã thành lập Tổ công tác triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg do lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban. Với vai trò là thành viên của Tổ công tác, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch triển khai việc số hóa sổ hộ tịch, hỗ trợ các sở, ngành thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg.

Về cơ bản, các địa phương đã chủ động thực hiện cung cấp dịch vụ công đối với 3 thủ tục hành chính thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch (đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn). Bên cạnh đó, thông qua Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, việc đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân tại các cơ quan đăng ký hộ tịch về cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu của người dân. Các địa phương đều đã thực hiện liên thông đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - trợ cấp mai táng phí…

Là đơn vị được lựa chọn thí điểm triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành công văn về thực hiện triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực hộ tịch thực hiện đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, triển khai trên toàn địa bàn từ ngày 1/7/2022. UBND thành phố giao Sở Tư pháp phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện ngay việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố theo quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến do UBND thành phố ban hành; không để xảy ra tình trạng chậm, muộn hoặc yêu cầu các thông tin không cần thiết, không đúng quy định.

* Bảo đảm chất lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch


Có thể thấy, cùng với sự “vào cuộc” của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp địa phương đã có sự chủ động trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, công tác đôn đốc, chỉ đạo được thực hiện tương đối quyết liệt, xuyên suốt, cơ bản. Mặc dù vậy, quá trình triển khai cho thấy còn một số “điểm nghẽn” nhất định.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai Phan Quang Tuấn cho biết, những khó khăn, vướng mắc, chủ yếu tập trung vào hai yếu tố: con người và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể, việc kiểm tra thông tin còn khó khăn do không có nhân lực và thời gian, nhất là đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã hiện đang quá tải trong giải quyết các nhóm đầu việc được giao. Trình độ công nghệ thông tin của các công chức Tư pháp - Hộ tịch tại địa phương chưa đồng đều, nên thao tác xử lý chậm. Công tác phối hợp của các cơ quan trong việc xác minh hồ sơ thủ tục hành chính còn chưa nhịp nhàng, gây ảnh hưởng đến thời gian giải quyết các thủ tục, nhất là thủ tục đăng ký khai sinh, lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, đường truyền mạng không ổn định, gây khó khăn cho đội ngũ công chức tư pháp trong việc kiểm tra, phê duyệt…

Đáng chú ý, tâm lý của người dân hiện vẫn chưa quen với dịch vụ trực tuyến. “Trực tuyến mà vẫn chậm và mất nhiều thời gian nên bà con vẫn chọn giải pháp trực tiếp. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện số hóa hộ tịch”, ông Tuấn chia sẻ.

Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác tư pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp các địa phương trong thời gian tới cần tăng cường quán triệt, truyền thông về vai trò của dữ liệu hộ tịch và các dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch; thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin, kết quả triển khai ở địa phương, chia sẻ, xin ý kiến kịp thời các đơn vị thuộc Bộ khi có vướng mắc phát sinh.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch; thường xuyên, chủ động rà soát, đối chiếu để bảo đảm tính thống nhất, chính xác của dữ liệu; đồng thời, đẩy nhanh hoạt động số hóa sổ hộ tịch, bảo đảm tiến độ số hóa theo đúng thời hạn quy định tại Nghị định số 87/2020/NĐ-CP.

Đặc biệt là khẩn trương bám sát việc triển khai thực hiện các công văn chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg; ổn định, bảo đảm chất lượng, số lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

Phan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm