Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

Tại Thông báo số 163/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo đúng quy định của Luật Hộ tịch, đảm bảo kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì rà soát về kỹ thuật đảm bảo hiệu quả, không trùng lắp; sử dụng chung tối đa các hạng mục, nguồn lực đã đầu tư cho dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an chủ trì, hoàn thành trước ngày 20/6/2021. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương xử lý các đề nghị của Bộ Tư pháp về vốn theo quy định.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đề xuất giải pháp cụ thể đảm bảo kết nối, liên thông; chia sẻ và sử dụng chung nguồn lực, tài nguyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7/2021.
 
Theo Nghị định 87/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là cơ sở dữ liệu được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch, nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật, bằng thiết bị số, trong môi trường mạng, thông qua phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác; duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

Cơ quan đăng ký hộ tịch khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để đăng ký hộ tịch theo thẩm quyền; cấp bản sao trích lục hộ tịch; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; thống kê số liệu đăng ký hộ tịch và thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước khác trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định pháp luật.

Cá nhân có yêu cầu khai thác thông tin hộ tịch của mình trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì gửi yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch tới cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch có thẩm quyền.

Nghị định cũng quy định: Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu tương tác, đính kèm bản chụp, hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến, hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật.

Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch được nhận kết quả đăng ký hộ tịch theo một trong các phương thức: Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi qua thư điện tử, kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đó; nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi vào thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch thông qua hệ thống bưu chính; nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

TTXVN

Có thể bạn quan tâm