Để hoạt động khai thác hải sản gần bờ đi vào trật tự, đúng quy định, nâng cao hiệu quả khai thác, hạn chế xâm hại nguồn lợi thủy sản, các ngành chức năng, đơn vị quản lý ở Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp từ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và tiêu biểu nhất là xây dựng mô hình hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề. Tuy vậy, hoạt động này vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Khó từ khâu quản lý
Những năm qua, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh Cà Mau đã tích cực thực hiện chủ trương giảm dần tàu cá có công suất máy dưới 20CV khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ, khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn hơn để khai thác tại các ngư trường xa bờ. Dù chủ trương là vậy, nhưng thực tế theo ngành chuyên môn nhận định, những tàu cá khai thác thủy sản (bao gồm cả phương tiện thủy nội địa) chủ yếu phát sinh tự phát ở địa phương. Các phương tiện này thường của một bộ phận ngư dân nghèo, di cư đến vùng ven biển để mưu sinh. Khó khăn về điều kiện kinh tế nên các chủ phương tiện làm nghề khai thác thủy sản ven bờ cũng ít quan tâm đến công tác đăng kiểm, đăng ký, gia hạn giấy phép; ý thức chấp hành các quy định về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn chưa cao.
Trước đây việc quản lý với nhóm tàu cá có công suất dưới 20CV được phân cấp cho huyện, nhưng nhiều địa phương không chú trọng việc cấp giấy phép khai thác hải sản cho loại phương tiện này, dẫn đến khó khăn trong công tác vận động thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản.
Khi thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, số tàu này được Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau tiếp nhận lại từ các huyện. Theo thống kê, số lượng hồ sơ tàu cá khi bàn giao từ Chi cục Thủy sản cho các huyện là gần 1.600 tàu, nhưng đến nay Chi cục Thủy sản nhận lại được tổng số khoảng 950 tàu cá. Số tàu giảm còn lại là do trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ lúc bàn giao hồ sơ cho đến thời điểm hiện nay, chủ tàu đã xin rút hồ sơ từ huyện chuyển đi đăng ký nơi khác, với một số lý do chủ yếu như: Tàu cá cải hoán, tàu cá sang bán đi một số nơi khác hoặc do điều kiện bảo quản chưa tốt nên bị hư hại...
Bên cạnh đó, theo Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, đối với nhóm tàu chưa đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản, chủ tàu làm các nghề khai thác thủy sản như: Nghề te (đẩy ruốc, đẩy cá cơm), nghề lưới kéo khai thác gần bờ… Khai thác thủy sản bằng nghề te, lưới kéo, gây nguy hại đến nguồn lợi môi trường sống của loài thủy sản, đặc biệt là vùng biển ven bờ, làm ảnh hưởng rất lớn đến ấu trùng, trứng, giống, thủy sản bố mẹ tự nhiên. Hoạt động này đã được đưa vào danh mục, tiêu chí xác định nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản tại Điều 13 Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Đó là những phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, còn thực tế những phương tiện thủy nội địa cố tình qua mặt ngành chức năng theo đường tiểu ngạch thông ra biển nhằm đánh bắt là rất lớn. Bởi đặc thù của tỉnh Cà Mau có ba mặt giáp biển với nhiều cửa sông ăn thông ra biển, các phương tiện khai thác ven bờ thường ra vào những cửa biển không có trạm kiểm soát Biên phòng, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra xử lý phương tiện phát sinh theo quy định.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Triều - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau nhìn nhận, việc giải quyết cho đăng kiểm, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản trên biển đối với những tàu cá (bao gồm cả những phương tiện thủy nội địa) phát sinh tự phát ở địa phương trong một thời gian dài, với số lượng nhiều. Ngoài ra, việc khai thác thủy sản của một bộ phận bà con ngư dân nghèo, di cư vùng ven biển của tỉnh là để đáp ứng nhu cầu sinh kế, cuộc sống hàng ngày nên đây là một vấn đề lớn.
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý chống khai thác hải sản bất hợp pháp vừa được UBND tỉnh Cà Mau tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, hiện có 3 nhóm khó khăn lớn trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Cụ thể là công tác quản lý tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Công tác quản lý khó khăn lớn nhất là nhóm tàu nhỏ khai thác ven bờ. Số liệu thống kê quản lý số lượng tàu này thời gian qua giữa các đơn vị chưa thống nhất, trong khi hiện nay số tàu này lại đang tiếp tục phát sinh. Đặc biệt, nhóm phương tiện nhỏ này đa phần là không có hồ sơ do hoạt động ngành nghề cấm, số còn lại không muốn đăng ký nhưng địa phương chưa có giải pháp quản lý. Ngoài ra, còn hiện trạng người dân sử dụng phương tiện thuỷ nội địa để tham gia khai thác.
Thực tế nhiều khó khăn
Theo Quyết định số 375 ngày 1/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường, nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững. Muốn bảo vệ nguồn lợi thủy sản, yêu cầu tất yếu là chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt thủy sản gần bờ. Thế nhưng, bài toán chuyển đổi ngành nghề này vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Ghi nhận thực tế, tại xã Khánh Hội, huyện U Minh, hiện có hơn 500 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó có gần 120 phương tiện công suất dưới 20CV. Ngoài ra, hơn 400 phương tiện vỏ lãi đánh bắt tự phát gần bờ, tuy chỉ đánh bắt trong thời gian ngắn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi có sóng to gió lớn bất ngờ xảy ra.
Ông Châu Minh Đảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội thông tin: Thực tế cũng có nhiều hộ dân trong thời gian nông nhàn sử dụng các phương tiện nhỏ để đánh bắt ven bờ, kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 hộ xem đây là nghề chính nuôi sống cả gia đình. “Địa phương đang nắm bắt tình hình từng hộ, xem bà con có nghề nào thay thế chưa, để có bước hỗ trợ phù hợp và thực hiện từng bước chuyển đổi. Xã đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền cho người dân có hướng nâng cấp phương tiện để đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm hoạt động trên biển”, ông Châu Minh Đảm chia sẻ.
Đây là vấn đề không chỉ riêng xã Khánh Hội, mà là vấn đề chung của nhiều địa phương khác. Hiện các địa phương chỉ dừng lại ở khâu điều tra, chứ chưa có một đề xuất nào cụ thể cho loại hình chuyển đổi này. Năm 2018, Cà Mau đã tiến hành thí điểm một số mô hình chuyển đổi, tiêu biểu là 2 mô hình chuyển đổi từ nghề te sang nghề lưới rê cho 9 hộ và 1 mô hình chuyển đổi từ nghề te sang nghề ốc mực với 1 hộ tham gia. Đây là những mô hình được đánh giá là có hiệu quả, ít ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản gần bờ, nhưng vẫn phù hợp với trình độ, tay nghề và nguồn vốn của ngư dân. Tuy nhiên, nếu xét về tính bền vững vẫn chưa thật sự thỏa đáng.
Xã Tân Hải, huyện Phú Tân, thực hiện thí điểm mô hình lưới rê, có 2 hộ tham gia và mô hình ốc mực có 1 hộ tham gia, với tổng vốn hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng. Với mô hình lưới rê sử dụng kích thước mắt lưới 80mm, đối tượng khai thác chính là ghẹ và các loài cá khác, vùng đánh bắt cách bờ 5 - 7 hải lý, từ Cái Đôi Vàm đến cửa biển Mỹ Bình.
Ông Nguyễn Đức Duy, Chủ tịch UBND xã Tân Hải, cho biết: “Nguồn thu nhập người dân cũng tương đối, tuy nhiên vẫn chưa ổn định và nhân rộng được. Với mô hình lưới rê, mùa vụ chính chỉ hoạt động hiệu quả từ tháng 10 (âm lịch) đến tháng 4 năm sau, các tháng còn lại thì khai thác kém, khiến đời sống bà con khó khăn”.
Một thực tế khác là dù nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề của ngư dân toàn tỉnh rất lớn, nhưng hàng năm nguồn ngân sách hỗ trợ để chuyển đổi nghề rất hạn chế. Trong đó, đa phần các chủ phương tiện làm nghề khai thác hải sản ven bờ còn khó khăn về điều kiện kinh tế, thiếu phương tiện, ngư cụ…, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì khả năng tự chuyển đổi nghề của ngư dân gần như là không thể. “Đơn vị đã xây dựng phương án tổng thể về chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân ven biển trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do nhu cầu kinh phí để chuyển đổi quá lớn, trong khi nguồn ngân sách tỉnh đang gặp khó khăn, từ đó UBND tỉnh chỉ cho thí điểm 10 hộ trên 3 mô hình chuyển đổi. Hiện tỉnh đang vướng ở khâu này. Thời gian tới, ngành sẽ phối hợp tuyên truyền để bà con ý thức hơn trong việc khai thác và chuyển đổi, chứ nhân rộng mô hình thì rất khó vì phải cần nguồn vốn đối ứng rất lớn”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau Nguyễn Việt Triều nhìn nhận.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác đúng theo quy định của pháp luật; không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, tỉnh bắt buộc chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác vi phạm chủ quyền các nước. Với những nỗ lực đó, tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài được kiểm soát và giảm đáng kể.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, đối với việc đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động mới cho tàu cá cần thắt chặt hơn theo nguyên tắc tàu chỉ được phép hoạt động khi đủ các thủ tục; tăng cường kiểm soát lúc đăng kiểm, cấp phép lúc trên sông, trên biển, khi ra vào cửa,... Ngoài ra, các ngành, các cấp cần nắm chắc lại các quy định trong quản lý tàu cá; đồng thời tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền theo hướng đổi mới nội dung, phương pháp để có những tác dụng mới; thắt chặt hơn việc đăng ký, đăng kiểm và cấp phép hoạt động mới cho tàu cá.
Huỳnh Anh