Chương trình 135 góp phần đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển

Chương trình 135 góp phần đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển

Chương trình 135 giai đoạn III (2014-2015), tỉnh Tuyên Quang có 61 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 245 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực I, khu vực II được hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135 của Nhà nước. Qua hơn hai năm triển khai thực hiện, nhờ có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, đúng đối tượng, diện mạo của nhiều xã đã thay đổi, đời sống của bà coñ có nhiều khởi sắc.

Để tạo nguồn lực thuận lợi cho đồng bào các xã khó khăn có điều kiện vươn lên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn là một trong yếu tố có ý nghĩa then chốt. Thực hiện Chương trình 135, trong giai đoạn III, tỉnh Tuyên Quang đã khởi công xây dựng trên 690 công trình, trong đó có hơn 270 công trình giao thông, 74 công trình thủy lợi, 173 công trình trường học, 137 nhà sinh hoạt cộng đồng, 22 công trình điện, 4 trạm y tế, 10 công trình nước sạch... với tổng kinh phí đầu tư gần 335 tỷ đồng.

Phát triển nuôi cá lồng trên sông Gâm ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán- TTXVN
Phát triển nuôi cá lồng trên sông Gâm ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán- TTXVN

Thôn Cao Đường, xã Yên Thuận (huyện Hàm Yên) là một trong những thôn đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm xã hơn 10 km. Trước đây, thôn gần như cách biệt với bên ngoài bởi đường đi lại khó khăn, cán bộ lên đến bản làm việc phải mất nửa ngày đường. Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nối với trung tâm xã, việc đi lại của bà con trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

Nằm gọn trong thung lũng bao quanh là núi nên tình trạng thiếu nước sản xuất xảy ra thường xuyên, do đó từ trước tới nay đồng bào ở đây chỉ làm được một vụ lúa. Công trình thủy lợi từ nguồn vốn 135 được xây dựng đã đáp ứng được niềm mơ ước của bà con, có nước tưới tiêu bà con đã có thể sản xuất 2 vụ lúa, có thêm cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Ông Dương Minh Toàn, Bí thư Chi bộ thôn Cao Đường cho biết: Từ nguồn vốn 135, bà con trong thôn được Nhà nước hỗ trợ nuôi dê, góp phần tăng thu nhập. Đặc biệt, thôn được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi kiên cố. Trước đây, hơn 30 ha đất trồng lúa của bà con luôn trong tình trạng thiếu nước chỉ làm được 1 vụ, giờ đây đã làm được 2 vụ, một số chỗ còn làm được 3 vụ, đời sống người dân nhờ đó đã thay đổi rất nhiều so với trước. 

Không chỉ các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát huy hiệu quả, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2014 đến nay, từ nguồn vốn 135 tỉnh đã xây dựng 27 mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ gần 24 nghìn con gia súc, gia cầm cho hộ nghèo, gần 6.400 hộ nghèo được hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp... Cùng với đó là việc tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn về mô hình xóa đói giảm nghèo và dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số với kinh phí thực hiện trên 66,5 tỷ đồng. Nhiều chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất cũng được tỉnh Tuyên Quang triển khai đã phát huy hiệu quả như: chương trình cho vay vốn đối với hộ cận nghèo, chương trình cho vay giải quyết việc làm, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Dân di cư tỉnh Hà Giang về sinh sống tại xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn từ những năm 1988 có 122 hộ đồng bào dân tộc Nùng ở hai thôn Đèo Trám, Ngòi Cái đã chọn nơi có nhiều đồi núi để định cư sinh sống. Nằm cách xa trung tâm xã,́ đi lại khó khăn nên đời sống và trình độ nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ nguồn vốn chương trình 135, hai thôn đã được Nhà nước đầu tư xây dựng đường bê tông vào thôn, nhà văn hóa, lớp học mầm non, được hỗ trợ máy cày, máy tuốt lúa... Tỷ lệ hộ nghèo ở hai thôn đã giảm rõ rệt; trong đó thôn Ngòi Cái giảm từ 65% hộ nghèo năm 2010, nay chỉ còn 28%; thôn Đèo Trám giảm từ 53% xuống còn 17%. 100% học sinh mầm non được đi học đúng độ tuổi, 100% bà con trong thôn được sử dụng nước sạch. Nguồn vốn Chương trình 135 đã và đang tạo nguồn lực quan trọng giúp người dân vùng sâu vùng xa từng bước khắc phục khó khăn, phát triển cuộc sống.

Đặc biệt, người dân còn được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. Gia đình anh Tráng Văn Đức là một trong hộ thoát nghèo tiêu biểu của thôn Đèo Trám, xã Tiến Bộ. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội. Có vốn anh đã đầu tư nuôi trâu; trâu sinh sản lại bán đi và tiếp tục mua giống cây về trồng. Điều kiện giao thông thuận lợi, sản phẩm làm ra bán được giá nên gia đình ông có tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học và vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang Chẩu Xuân Oanh cho biết: Chương trình 135 đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng đặc biệt khó khăn. Từ nguồn vốn 135, Tuyên Quang đã tích cực hỗ trợ cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển giao khao học kỹ thuật, qua đó góp phần thay đổi tập tục canh tác lạc hậu, giúp đồng bào tăng thu nhập. Thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như trường học, đường giao thông nông thôn, điện lưới, công trình thủy lợi nhỏ, trạm y tế... tạo điều kiện giúp bà con giao lưu hàng hóa, ổn định cuộc sống, góp phần đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Được đầu tư điện lưới, đường giao thông, trường học, trạm xá, nhân dân vùng khó khăn đã có điều kiện thuận lợi để đi lại, giao thương hàng hóa giữa các vùng. Trong sản xuất, diện tích đất được tưới tiêu tăng lên đã nâng cao hệ số sử dụng đất và năng suất cây trồng. Được chăm sóc về y tế, giáo dục, đời sống của người dân từng bước thay đổi một cách toàn diện. Kết quả đó đã góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương./. 

 

Có thể bạn quan tâm