Chung tay bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai

Chung tay bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai
Phát biểu tại phiên họp, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành phố trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường trước những vấn đề ô nhiễm chung của cả lưu vực cũng như những bất cập trong công tác quản lý, khai thác ở từng địa phương.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Theo ông Võ Tuấn Nhân, ô nhiễm môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh, thành phố làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Vì vậy, các tỉnh, thành phố trên lưu vực cần khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch và bố trí kinh phí thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.
 
Song song đó, các tỉnh, thành phố trên lưu vực cần tăng cường cơ chế phối hợp, khắc phục ngay các xung đột lợi ích cục bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực, đặc biệt là các địa phương hạ nguồn.
 
Đối với nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố trong năm 2018, ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai cho biết: Các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đã ký kết trước đó.
 
Bên cạnh đó, các địa phương sẽ phối hợp triển khai giải quyết các điểm nóng ô nhiễm môi trường tại các khu vực giáp ranh, thực hiện khai thông dòng chảy và vệ sinh môi trường nước trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Từng địa phương thực hiện điều tra, thống kê các nguồn thải, lập cơ sở dữ liệu về nguồn thải và tăng cường kiểm soát ô nhiễm đối với nguồn thải trên địa bàn, tổ chức di dời và hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Các địa phương cũng mở rộng mô hình hệ thống giám sát nước thải tự động của các khu công nghiệp và một số doanh nghiệp có lưu lượng thải lớn trên toàn lưu vực.
 
Theo Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, trong năm 2018, Tổng cục Môi trường cũng sẽ tổng kết dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai”, hình thành trung tâm tích hợp dữ liệu môi trường và cơ chế chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan quản lý môi trường Trung ương và địa phương. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
 
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực sông lớn nhất ở Việt Nam, nguồn nước hệ thống sông này có tầm quan trọng đặc biệt đối với 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực (từ Ninh Thuận đến Thành phố Hồ Chí Minh) trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nguồn nước sông Đồng Nai cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân đang sinh sống ở các khu đô thị và khu công nghiệp tập trung ở vùng hạ lưu.
 
Hiện nay, nguồn tài nguyên nước tại lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đang đối mặt với những thách thức lớn trong quản lý, khai thác và sử dụng nước cũng như vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách đối với 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm