Chính sách “giá mía bảo hiểm” ở Gia Lai giúp người dân gắn bó với cây mía

Thu hoạch mía. Ảnh: Quang Thái- TTXVN
Thu hoạch mía. Ảnh: Quang Thái- TTXVN

Vụ ép mía mới 2022- 2023 tại Gia Lai đã bắt đầu khởi động. Để chuẩn bị cho vụ ép mới, các nhà máy đường trên địa bàn đã thực hiện chính sách ký kết “giá mía bảo hiểm” với người dân. Chính sách này đã tạo niềm tin, sự an tâm của người dân bao năm gắn bó với cây mía trước biến động thất thường của giá cả thị trường.

Chính sách “giá mía bảo hiểm” ở Gia Lai giúp người dân gắn bó với cây mía ảnh 1Thu hoạch mía. Ảnh: Quang Thái- TTXVN 

Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho hoạt động ép năm 2022- 2023, Nhà máy đường An Khê đã thực hiện ký kết hợp đồng mua mía của các hộ dân trong vùng nguyên liệu của nhà máy. Theo đó, tổng diện tích vùng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê hơn 25.000 ha. Hiện phía nhà máy đã thực hiện ký hợp đồng giá mía bảo hiểm ở mức giá 1,05 triệu đồng/tấn 10 chữ đường. Chính điều này đã tạo sự an tâm, niềm tin với cây mía cho hàng ngàn hộ dân.

Với hơn 30 ha mía, bên cạnh nỗi lo thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thì giá nguyên liệu cũng khiến những người trồng mía như anh Lê Công Khoa (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) lo lắng. Tuy nhiên, bỏ qua nỗi lo về giá nguyên liệu, việc được hưởng chính sách “giá mía bảo hiểm” ở mức 1.050.000 đồng/tấn mía khiến anh Khoa an tâm gắn bó với cây trồng này.

“Năm nay, nhà máy ký hợp đồng mua mía nguyên liệu với giá bảo hiểm là 1.050.000 đồng/tấn, cao hơn năm ngoài là 100 ngàn đồng; đồng thời hỗ trợ tiền chi phí vận chuyển cũng cao hơn 20.000 đồng (bình quân 160 ngàn đồng/tấn) nên người trồng cũng an tâm hơn, không lo vấn đề “mất mùa được giá hay ngược lại”. Với mức giá bảo hiểm như hiện nay, người trồng đã có thu nhập ổn định từ 30- 40 triệu đồng/ha sau khi trừ hết các chi phí đầu tư”- anh Khoa vui mừng chia sẻ.

Trên diện tích gần 180 ha, giá mía nguyên liệu sẽ quyết định “sự sống còn” của những người mạnh dạn đầu tư lớn như chị Nguyễn Thị Gái (thôn An Hòa, xã Phú An, huyện Đăk Pơ). Nếu giá mía thấp trong khi chi phí đầu tư cao như hiện nay, người trồng không có lãi, thậm chí sẽ ôm nợ lớn nếu đầu tư trên diện tích lớn.

Tuy nhiên, chính sách “giá mía bảo hiểm” đã tạo được sự an tâm, niềm tin của người dân như chị Gái vào cây mía. Chị Gái chia sẻ, hiện nhà máy mía đã triển khai ký hợp đồng thu mua nguyên liệu với người trồng ở mức giá bảo hiểm đảm bảo là 1.050.000/ha.

Chính sách này giúp người trồng an tâm hơn với giá cả, đảm bảo có lãi ở niên vụ 2022- 2023. Nếu giá mía rớt xuống dưới mức 1.050.000 đồng/tấn mía nguyên liệu, khả năng người dân phải bù lỗ là rất cao do năm nay chi phí đầu tư, phân bón, nhân công cũng tăng cao hơn năm ngoái.

Ông Nguyễn Hoàng Phước - Phó giám đốc Nhà máy Đường An Khê thông tin, năm nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu của nhà máy là hơn 25.000 ha, năng suất bình quân dự kiến 65 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn. Nhà máy dự kiến đầu tháng 12/2022 sẽ bước vào vụ ép mới.

Giá mía bảo hiểm nhà máy đưa ra là 1,05 triệu đồng/tấn 10 chữ đường. Giá thu mua sẽ còn được điều chỉnh phù hợp với giá đường trên thị trường nhưng không thấp hơn giá mía bảo hiểm đã đưa ra trước đó. Hiện nhà máy đã hoàn thành khâu chuẩn bị để bước vào vụ ép.

Để đảm bảo vụ ép mía mới thành công và quyền lợi, lợi ích của các bên, Nhà máy đường An Khê đã mở hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất mía niên vụ 2022-2023 cho hơn 14 ngàn hộ trồng mía trên địa bàn khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai. Theo đó, năm nay, vùng nguyên liệu của nhà máy đạt khoảng 25.000 ha; sản lượng đạt 1,6 triệu tấn. Vụ sản xuất mía của nhà máy sẽ kéo dài từ đầu tháng 12/2022 đến cuối tháng 4/2023.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn cho xe vận chuyển hàng hóa ra vào khi tham gia giao thông, nhà máy thông báo tới người trồng mía và xe vận chuyển phải nghiêm túc thực hiện việc bốc xếp hàng hóa gọn gàng trong thùng xe, không được quá khổ, quá tải.

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm