Chiếc khăn piêu không chỉ thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan, mà cả sự tài hoa, khéo léo và trình độ thẩm mỹ của phụ nữ Thái đen. Vì vậy, đây còn là một tiêu chí để đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người con gái. Từ khi còn bé đến lúc trưởng thành, cô gái Thái được người mẹ dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Việc học thêu khăn Piêu là một quá trình nhận thức và rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay, sự kiên nhẫn, chăm chỉ để chuẩn bị bước vào đời của cô gái Thái đen. Đến năm 15, 16 tuổi, thì việc thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn đã thành thạo và các cô gái phải tự tay làm khăn piêu để chuẩn bị đi lấy chồng. Khăn piêu là món quà không thiếu để cô dâu tặng gia đình nhà chồng khi về làm dâu.
Các cô gái Thái đen với khăn piêu trong đời sống.
|
Để làm ra một chiếc khăn piêu phải trải qua nhiều công đoạn, từ trồng bông, dệt vải, quay xa, kéo sợi, nhuộm chàm đến lựa kim chỉ, thêu thùa, tất cả đều được làm bằng tay. Trong đó, thêu là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của cô gái. Sau khi dệt và nhuộm chàm, cô gái Thái mới bắt đầu thêu những hoa văn sặc sỡ và bắt mắt với 3 loại hoa văn: Tà leo, cút piêu và sai peng. Tà leo là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn, cút piêu là phẩm vật cao quý của người bề trên và sai peng là dây tình của đôi lứa. Các hoa văn này chỉ được thêu ở hai đầu của chiếc khăn. Khi thêu, cô gái phải biết nhìn vào mẫu piêu, biết nhận ra bố cục của đồ án hoa văn. Thêu xong, phải đính cút vào piêu, các cút piêu được đặt trên 3 đoạn thẳng đính ở đầu khăn, những cút còn lại được tết thành những bông hoa.
Duyên dáng với chiếc khăn piêu.
|
Khăn piêu còn dùng làm vật mang theo cho người chết và con cháu phải đội khăn piêu trong tang ma, khăn piêu đóng vai trò đưa đường chỉ lối cho linh hồn của người chết được siêu thoát lên thiên đàng. Khi đội khăn piêu, người Thái đen tin rằng có thần linh che chở.
Tuy cuộc sống của người Thái đen hiện nay có nhiều thay đổi, nhưng khăn piêu luôn được trân trọng, gìn giữ, là sản phẩm văn hóa in đậm bản sắc của dân tộc.
Báo Tin Tức