Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao giá trị chăn nuôi gia súc

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao giá trị chăn nuôi gia súc
Thông tin tại diễn đàn cho thấy, hiện nguồn phụ phẩm nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn, nhưng tỷ lệ được sử dụng trong chăn nuôi trâu bò, dê còn khiêm tốn và chủ yếu ở dưới dạng tươi, chưa được chế biến để tạo thành nguồn thức ăn dự trữ, có giá trị dinh dưỡng. Lượng lớn nguồn phụ phẩm nông nghiệp dùng làm thức ăn cho gia súc đã bị lãng phí; trong đó, những loại nguyên liệu giá trị dinh dưỡng cao như: rơm, rạ, thân cây ngô...
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
 
Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, trong 10 năm qua (giai đoạn 2008 - 2017), số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh An Giang có tăng nhẹ.

Tốc độ tăng trưởng đối với trâu, bò đạt 1,14%/năm; gà là 1,51%/năm; vịt là 0,13%/năm; riêng đàn lợn có tốc độ tăng trưởng giảm bình quân 4,06%/năm do thời gian qua giá cả không ổn định, giá thức ăn liên tục tăng, chăn nuôi lợn gặp nhiều rủi ro.
 
Bên cạnh đó, An Giang là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất lúa gạo với sản lượng lúa hàng năm khoảng 4 triệu tấn, chiếm 9% tổng sản lượng lúa cả nước; ngành công nghiệp chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ với hàng trăm doanh nghiệp chế biến và cơ sở xay xát, thải ra lượng trấu khoảng 800.000 tấn/năm; rơm rạ 2 triệu tấn/năm...
 
Theo bà Vân, nguồn tài nguyên sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp là rất lớn: trấu, rơm rạ, sản phẩm phụ từ cây màu, chất thải trong gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản,…. được tận dụng, khai thác sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau như: trồng nấm rơm, làm nhiên liệu, biogaz, làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trùng chỉ,…
Mô hình nuôi dê sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ đậu nành rau, rơm, thân cây chuối mang lại hiệu quả cao của nông dân Phó Văn Tới, ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Mô hình nuôi dê sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ đậu nành rau, rơm, thân cây chuối mang lại hiệu quả cao của nông dân Phó Văn Tới, ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
 
Quan trọng hơn nữa là sự cần thiết thích ứng và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này theo hướng thân thiện môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. An Giang đã sớm nhận thức về các tác động môi trường phát sinh từ quá trình canh tác, chế biến lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và ảnh hưởng khôn lường của biến đổi khí hậu.

Trước tình hình trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang đã chỉ đạo các ngành có liên quan triển khai các chương trình, dự án, mô hình,… nhằm tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tái sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhưng, hiện địa phương gặp không ít khó khăn về cơ chế chính sách nhằm tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi giúp cho cho  nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.
 
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan về kỹ thuật phối trộn thức ăn, các phương pháp xử lý phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây ngô, cám gạo, thân cây chuối, xác cây sắn... làm thức ăn cho bò và dê. Trong đó, nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm như: giải pháp sử dụng rơm cuộn với Urê trong túi nilon làm thức ăn cho trâu bò; ủ rơm tưới với Urê theo phương pháp đóng bánh làm thức an cho gia súc; sử dụng thức ăn ủ lên men trong chăn nuôi bò sữa…
Mô hình nuôi bò thịt và bò sữ sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ đậu nành rau, rơm, thân cây chuối mang lại hiệu quả cao của nông dân Phó Văn Tới, ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Mô hình nuôi bò thịt và bò sữ sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ đậu nành rau, rơm, thân cây chuối mang lại hiệu quả cao của nông dân Phó Văn Tới, ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
 
Bà Hà Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nước ta hiện nay có 5,65 triệu con bò, 2,49 triệu con trâu và 2,72 triệu con dê, cừu. Đến năm 2020 con số này là 5,84 triệu con bò, 2,62 triệu con trâu và 4,01 triệu con dê, cừu.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 5,7%. Số lượng gia súc như trên là thấp so với nguồn thức ăn sẵn có và nếu những nguồn thức ăn này được sử dụng tốt thì có thể tăng số đầu gia súc lên và đảm bảo hạn chế được việc sử dụng thức ăn nhập khẩu.
 
Theo bà Hạnh, diễn đàn là cơ hội để người chăn nuôi gia súc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cập nhật được các chủ trương, chính sách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cập nhật các ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nhằm xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả cho người chăn nuôi./.
 Vương Thoại Trung

Có thể bạn quan tâm