Chìa khóa giúp nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Khu vực trồng rừng ngập mặn của Dự án trồng rừng thích ứng biến đổi khí hậu Blue & Green. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN
Khu vực trồng rừng ngập mặn của Dự án trồng rừng thích ứng biến đổi khí hậu Blue & Green. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Nhóm Quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu (CGIAR) tổ chức "Diễn đàn tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu".

Chìa khóa giúp nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 1Khu vực trồng rừng ngập mặn của Dự án trồng rừng thích ứng biến đổi khí hậu Blue & Green. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi, biến động khó lường do dịch bệnh, xung đột, thiên tai và các hiện tượng thiên nhiên bất thường do biến đổi khí hậu, mặc dù tăng trưởng bứt phá nhanh, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Để có thể "dĩ bất biến ứng vạn biến", biến thách thức thành cơ hội, ngành nông nghiệp đã đưa ra rất nhiều các định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp để nông nghiệp vẫn là "trụ đỡ" của nền kinh tế.

Trong số đó, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được coi là mũi nhọn, là "chìa khoá" thành công tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Theo ước tính khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều...

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khoa học công nghệ không chỉ góp phần tăng năng xuất, chất lượng và giá trị cho sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống của người nông dân và làm thay đổi đáng kể diện mạo của nông thôn Việt Nam. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn được xem là "chìa khóa" để ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững; phấn đấu đến năm năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nước phát triển trên thế giới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, phải sử dụng chiếc "chìa khoá" khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo một cách thật hiệu quả. Coi đây là cú huých mang tính đột phá để nông nghiệp nông thôn Việt Nam phát triển, nhanh, mạnh, bền vững và có trách nhiệm.

Ông Stephan Weise, Giám đốc Khu vực châu Á, Liên minh đa dạng sinh học và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế cho rằng, những ứng dụng khoa học công nghệ và các chương trình đổi mới sáng tạo mà nhóm nghiên cứu phối hợp cùng các đối tác triển khai tại Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam theo hướng xanh và bền vững hơn.

Diễn đàn là cơ hội để các bên trao đổi các thông tin nhằm tăng cường tính bền vững về mặt môi trường trong ngành nông nghiệp phát thải thấp cũng như là làm sao để có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đồng thời, áp dụng khoa học và những thành tựu khoa học công nghệ vào trong ngành nông nghiệp để đảm bảo an sinh, an ninh lương thực.

Thông tin về kết quả tham dự COP 27 của Việt Nam, bà Bùi Mỹ Bình, Vụ Hợp tác quốc tế, đại diện Đoàn công tác tham dự COP 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, COP 27 có quyết định quan trọng là thành lập Quỹ Tổn thất và thiệt hại để hỗ trợ các nước bị tác động của biến đổi khí hậu.

Riêng về công nghệ, COP 27 thông qua chương trình làm việc trong 5 năm nhằm thúc đẩy các giải pháp công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển. Bởi, công nghệ đã có ở các nước tiên tiến phát triển nhưng vấn đề là chuyển giao các công nghệ này tới các nước đang phát triển để sử dụng.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được chia sẻ thông tin về các nghiên cứu đổi mới của CGIAR trong các lĩnh vực canh tác lúa, rau quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm thúc đẩy, phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu có thể được áp dụng và nhân rộng tại Việt Nam. Các lãnh đạo của CGIAR bày tỏ cam kết và mong muốn hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức mang tính chiến lược trong ngành nông nghiệp để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Các bên cùng phối hợp nhân rộng các kết quả nghiên cứu và đổi mới nhằm thúc đẩy nông nghiệp giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp Việt Nam rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác quốc tế; trong đó có Nhóm Quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu (CGIAR) để cùng hợp tác phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về giảm phát thải và chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm