Chị Nguyễn Thị Quyên với mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng tỷ đồng

Chị Nguyễn Thị Quyên chăm sóc vườn bưởi. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN
Chị Nguyễn Thị Quyên chăm sóc vườn bưởi. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Với quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương, chị Nguyễn Thị Quyên (sinh năm 1974, thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã xây dựng mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Chị được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

 Chị Nguyễn Thị Quyên với mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng tỷ đồng ảnh 1Chị Nguyễn Thị Quyên chăm sóc vườn bưởi. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Không bằng lòng với cuộc sống nông nghiệp truyền thống cấy lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, vợ chồng chị Quyên xoay xở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy tiềm năng sẵn có của địa phương cùng với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng trọt ở khu vực đất bãi ven sông Đuống.

Năm 2014, khi bắt tay vào làm, vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm và thiếu vốn. Lựa sức mình, vợ chồng chị cải tạo đất từ khu lò gạch cũ, đổ từng xe đất, đắp từng mét đường, đào ao thả cá. Cứ thế mỗi năm, gia đình chị cải tạo hàng trăm mét vuông đất, dần hình thành trang trại, xây dựng hệ thống chuồng chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả. Từng có nhiều lúc muốn bỏ cuộc, tuy nhiên, mong muốn làm giàu giúp vợ chồng chị biến khó khăn thành hành động, trở thành động lực vượt qua tất cả. Đặc biệt, có thời kỳ, chị phải bán nhà để có vốn.

Được tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân năm 2018 với lãi suất 3%/năm như "bà đỡ" giúp vợ chồng chị có thêm quyết tâm để phát triển kinh tế. Chị Quyên chia sẻ, làm nông nghiệp cũng như những ngành nghề khác, không được lùi bước trước khó khăn. Đây là ngành nghề có yếu tố rủi ro cao vì phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường, vật tư… Do vậy, muốn thành công không thể áp dụng theo những phương pháp, kinh nghiệm truyền thống mà đòi hỏi phải không ngừng học tập, cập nhật kiến thức khoa học để áp dụng vào quá trình sản xuất của mình. Vợ chồng chị luôn quan tâm, tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, các phương pháp khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham quan, học tập kinh nghiệm từ chính các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao; tham gia các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm do Hội Nông dân tổ chức.

 Chị Nguyễn Thị Quyên với mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng tỷ đồng ảnh 2Mô hình trang trại của chị Nguyễn Thị Quyên tại thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Thời điểm dịch tả lợn châu Phi hoành hành, nhờ kinh nghiệm chăn nuôi cùng tuân thủ tốt nguyên tắc phòng bệnh, mô hình của gia đình chị không bị ảnh hưởng mà còn cho lợi nhuận cao. Lúc đó, gia đình chị nuôi 900 con lợn thương phẩm, chuồng trại được xây dựng khoa học, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, định kỳ tiêm vaccine cho vật nuôi. Khu vực cổng ra vào trang trại và cửa các chuồng nuôi đều có hệ thống máy phun khử khuẩn người và phương tiện. Chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để, phân khô dùng làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp, chất thải được dẫn vào bể biogas làm khí đốt giúp tiết kiệm chi phí, bảo đảm vệ sinh môi trường, một phần để làm thức ăn cho cá, tất cả đã tạo thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín. Vì vậy, có thời điểm giữa “tâm dịch” tả lợn châu Phi, trang trại của chị vẫn duy trì ổn định, cho lãi hàng tỷ đồng. Từ đó, gia đình chị có thêm kinh phí mở rộng hệ thống chuồng trại.

Đến nay, trang trại của gia đình chị Quyên bao gồm các khu sản xuất lợn siêu nạc theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 3500 con, 3 ao cá thương phẩm, trồng 700 cây ăn quả, cây dược liệu xen kẽ để phát huy tối đa diện tích đất cải tạo. Cùng với chăn nuôi theo hướng VietGap, sản phẩm bưởi diễn Quang Tiến của trang trại được UBND tỉnh Bắc Ninh chứng nhận là sản phẩm OCOP. Tổng doanh thu của trang trại đạt hơn 13 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động có thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Đánh giá về mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Quyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh Đào Duy Hữu cho biết, đây là mô hình kinh tế điển hình, hiệu quả, thể hiện sự năng động, sáng tạo của nông dân Bắc Ninh trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; góp phần thay đổi bộ mặt quê hương, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Mô hình góp phần tạo hướng đi mới cho nông dân địa phương, học tập, phát triển kinh tế. Vợ chồng chị Quyên luôn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên khác.

 Chị Nguyễn Thị Quyên với mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng tỷ đồng ảnh 3Mô hình trang trại của chị Nguyễn Thị Quyên tại thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Với những nỗ lực đó, gia đình chị Nguyễn Thị Quyên được chứng nhận là Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Chị Quyên được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt, năm 2022, chị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, chị vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.

Thanh Thương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm