Từ món ăn dân dã của quê hương, thạch đen của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng đã trở thành đặc sản du khách yêu thích. Các sản phẩm từ thạch đen được sản xuất và đóng gói theo quy trình hiện đại. Môt số sản phẩm thạch đen của các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao.
Cây thạch đen (còn được gọi là Tiên Thảo hay Sương Sáo) được trồng chủ yếu ở huyện Thạch An (Cao Bằng) là một loại cây thân cỏ. Đây là giống cây trồng ngắn ngày, chỉ 4 tháng là có thể thu hoạch. Cây thạch đen có vị ngọt, tính mát, theo Đông y, lá cây thạch đen có tác dụng giải nhiệt, giúp giảm huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp, tiểu đường...
Huyện Thạch An là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây thạch đen. Trước đây, cây chỉ mọc dại hoặc được người dân trồng để ăn và không có người thu mua. Từ năm 2016, huyện Thạch An có chủ trương mở rộng diện tích trồng thạch đen. Đến nay, cây thạch đen đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện Thạch An. Người dân chủ động mở rộng diện tích; thương lái đến tận nương thu mua. Cây thạch đen đã giúp người dân vùng cao từng bước giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Một trong những cơ sở sản xuất thạch đen nổi bật tại Thạch An có thể kể đến hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy (thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020, sản phẩm đạt “Thương hiệu vàng Nông nghiệp năm 2022” của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Chị Nông Thị Lệ Thùy (Chủ Cơ sở sản xuất thạch đen Lê Thùy) cho biết, năm 2015, chị nhận thấy món ăn từ thạch đen đang được người tiêu dùng ưa chuộng nên chị đã quyết định xây dựng một cơ sở sản xuất thạch đen chuyên nghiệp để phân phối tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Để sản xuất số lượng lớn, đảm bảo chất lượng, Cơ sở sản xuất Thạch đen Lê Thùy đã kết hợp các máy móc hiện đại với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống để cho ra thành phẩm là thạch đen không dùng chất bảo quản, phẩm màu nhưng vẫn tạo được màu sắc, độ thơm ngon và dẻo dai. Nhờ áp dụng máy móc trong sản xuất thạch đen, năm 2022, Cơ sở sản xuất Thạch đen Lê Thùy đã bán ra thị trường khoảng 10 tấn thạch đen thành phẩm, doanh thu trừ chi phí đạt khoảng 100 triệu.
Thời gian tới, Cơ sở sản xuất Thạch đen Lê Thùy tiếp tục nâng cấp dây chuyền sản xuất, mở rộng nhà xưởng và tăng cường kết nối tới các đơn vị phân phối. Cơ sở sản xuất mong muốn các ngành chức năng đẩy mạnh xúc tiến đưa sản phẩm thạch đen tham gia các hội chợ, lễ hội lớn trên toàn quốc.
Thạch đen Đinh Tuyên - sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Cao Bằng cũng đã góp phần làm nên thương hiệu Thạch đen Thạch An (Cao Bằng). Với mong muốn mang sản phẩm của quê hương phát triển hơn nữa, tạo dựng thương hiệu cho gia đình, Cơ sở sản xuất Thạch đen Đinh Tuyên đã luôn cố gắng nỗ lực để thương hiệu Thạch đen Đinh Tuyên được vươn xa, góp phần phát triển kinh tế gia đình giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.
Để phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, cơ sở đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn xây dựng vùng sản xuất theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình chế biến, cơ sở cũng không sử dụng các chất phụ gia, các chất cấm, hệ thống máy móc được trang bị đảm bảo an toàn.
Chị Đinh Thị Kim Tuyên (Chủ Cơ sở sản xuất Thạch đen Đinh Tuyên) cho biết, vào chính vụ, cơ sở có khả năng cung cấp 800 - 1.200 hộp thạch/ ngày; đạt 100.000 hộp/năm, trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về sản xuất và kinh doanh thạch tại Thạch An.
Thời gian tới, để Thạch đen Đinh Tuyên ngày càng chiếm được sự tin tưởng của khách hàng, cơ sở tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, mở rộng mạng lưới tiêu thụ đến các tỉnh thành trong cả nước; quảng bá trên các kênh bán hàng trực tuyến; đưa sản phẩm đến các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh…
Đến hết năm 2022, huyện Thạch An có tổng diện tích trồng cây thạch đen gần 500 ha. Hiện nay, giá trị kinh tế từ cây thạch đen ngày càng nâng cao. Với tổng sản lượng hơn 2.000 tấn, cây thạch đen đem lại cho người dân huyện vùng cao Thạch An trên 70 tỷ đồng.
Ông Vũ Đức Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An cho biết, địa phương xác định thạch đen là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế. Vì vậy, địa phương khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, huyện xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng các cơ sở, sản xuất sản phẩm thạch đen đạt tiêu chuẩn OCOP. Cùng với đó, địa phương tăng cường kêu gọi các đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ huyện quảng bá, hỗ trợ sản xuất, chế biến sản phẩm thạch đen…
Chu Hiệu