Chuyển đổi số đang mở ra nhiều "cánh cửa" mới cho nông nghiệp vùng cao Lào Cai sau giai đoạn cơ giới hóa, công nghiệp hóa. Lào Cai đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh...
Xu hướng công nghệ mới
Thực tế ghi nhận tại vùng cao Lào Cai, việc ứng dụng các xu hướng công nghệ mới trong chuyển đổi số đã giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu - một trong những tác nhân tự nhiên khó kiểm soát và thường gây ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc thất thu vụ mùa.
Năm 2017, Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi, thị xã Sa Pa đã tiên phong đưa hệ thống tưới nước và châm phân dinh dưỡng tự động Nextfarm Fertikit 4G vào sử dụng. Hệ thống được vận hành qua bộ điều khiển Smarline SL800–USA, cùng lúc cài đặt lập trình tự động 6 chương trình tưới và 9 chu trình tưới/ngày.
Với hệ thống này, tỷ lệ nước, phân dinh dưỡng cho hơn 2 ha ớt chuông, bí đỏ, cà chua, su su... được thực hiện hoàn toàn tự động và đúng liều lượng nhu cầu của cây, giúp duy trì độ ẩm ổn định không tạo thành dòng chảy trên mặt đất, từ đó giúp cây sinh trưởng phát triển thuận lợi; hạn chế sâu bệnh lây lan, tăng năng suất và chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, toàn bộ các chỉ số, lịch sử tưới, việc giám sát vườn đều được thực hiện qua hệ thống Web, App mobile giúp chủ trang trại thuận lợi hơn trong quản lý, vận hành.
Anh Trần Tuấn Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi cho hay, chuyển đổi số không chỉ giúp mang lại giá trị lớn về mặt thu nhập cho nông dân khi khối lượng sản xuất lớn với chất lượng sản phẩm đồng đều mà còn góp phần giảm chi phí sản xuất, sức lao động, lượng khí thải nhà kính. "Việc tưới tiêu hiện đại này còn đảm bảo phù hợp với điều kiện thời tiết từng thời điểm, giúp tăng sản lượng tới 25% so với hình thức tưới truyền thống", anh Nghĩa chia sẻ.
Đến nay, ngoài Hợp tác xã Thắng Lợi Sa Pa, tại Lào Cai hệ thống tưới nước và phun phân tự động đã được áp dụng rất rộng rãi cho các đối tượng cây trồng như: chè, cam, quýt và đặc biệt là một số cây trồng trong nhà kính, nhà lưới như dưa lưới, cà chua, dâu tây, măng tây, nho... tại Hợp tác xã Trọng Tín (xã Đồng Tuyển), Công ty TNHH giống nông nghiệp công nghệ cao Lào Cai, Trang trại Suối Đôi phường Nam Cường, thành phố Lào Cai…
Hiện, Lào Cai đã có trên 70% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ cao (tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất,...) trong quản lý canh tác theo các mức độ. Trên 75% hợp tác xã được khảo sát cho biết có sử dụng các ứng dụng như Zalo, Viber… hoặc phần mềm quản lý để cập nhật thông tin quản lý, điều hành hoạt động, trao đổi công việc giữa cán bộ quản lý với thành viên, người lao động.
Với chuyển đổi số, nông dân Lào Cai cũng có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, giảm phụ thuộc vào thương lái. Năm 2021, sản phẩm cốm - khẩu rang của tổ hợp tác thôn Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà do chị Lù Thị Tươi đứng đầu được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh - mở ra cơ hội mới phát triển thương hiệu này. Nếu trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm có nhiều hạn chế với mô hình chợ truyền thống nhưng hiện tại công việc này đã khác.
"Công nghệ nên ở bất cứ chỗ nào chỉ cần có điện thoại cầm tay thì tôi đều có thể bán được hàng. Bây giờ tôi đứng ở đâu cũng biết được thông tin đặt hàng. Hơn 70% lượng sản phẩm tiêu thụ đều đến từ mạng xã hội và sàn thương mại điện tử", chị Lù Thị Tươi chia sẻ.
Đến nay, 100% sản phẩm nông sản Lào Cai được cấp chứng nhận OCOP của tỉnh đã được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đã có 101 doanh nghiệp, hợp tác xã với 322 dòng sản phẩm được minh bạch thông tin, rõ nguồn gốc xuất xứ được cấp trên phần mềm Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Ngoài ra, đã có trên 161 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá sản phẩm trên hệ thống với 237 dòng sản phẩm tham gia. Qua đó, đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, nông dân trong tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Triển vọng nông thôn mới thông minh
Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn là những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Lào Cai đề ra trong Kế hoạch thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2023.
Do đó, để triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, tỉnh Lào Cai triển khai đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ngành nông nghiệp, cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, xây dựng chính sách thu hút, ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số với doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng các xã nông thôn mới thông minh.
Năm 2023, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng là một trong 4 xã, phường của tỉnh Lào Cai được chọn thí điểm xây dựng mô hình chuyển đổi số toàn diện cấp xã giai đoạn 2023-2025. Trên địa bàn xã có 6 hợp tác xã, 126 hộ kinh doanh, có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với sản phẩm chính bao gồm lúa gạo, rau, củ quả và chăn nuôi đại gia súc. Công nghệ số bước đầu đang hỗ trợ hiệu quả cho Phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Gia Phú, từng bước tạo nên mô hình xã thông minh, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.
Điển hình, xã Gia Phú phối hợp với các ngành chức năng xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, mã QR code để xác thực nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm cho các hợp tác xã. Đồng thời, hướng dẫn hợp tác xã cài đặt phần mềm để thanh toán điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất.
Toàn bộ 10 sản phẩm OCOP của xã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Các hợp tác xã đang khai thác tối đa công năng của chuyển đổi số trong việc bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, kết nối khách hành, thực hiện các hợp đồng kinh tế trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản-Dược liệu Mạnh Hương cho biết, chuyển đổi số giúp lượng hàng bán ra tăng cao nhờ việc quảng bá sản phẩm ngày càng rộng rãi, thanh toán nhanh chóng, thuận tiện hơn nhiều so với hình thức bán hàng truyền thống.
Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ ngành nông nghiệp là một trong các lĩnh vực được ưu tiên nhằm xây dựng nông thôn mới thông minh. Mục tiêu hướng đến mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo giá, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Để đạt mục tiêu đó, trong thời gian tới, Lào Cai đặc biệt chú trọng, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng các nền tảng quản trị và kinh doanh. Địa phương quan tâm hỗ trợ, quảng bá sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của tỉnh; ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc trên các hệ thống thông tin chuyên ngành và trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Hương Thu