Các làng nghề ở Thanh Hóa gặp khó trong đại dịch COVID -19

Các làng nghề ở Thanh Hóa gặp khó trong đại dịch COVID -19

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 132 làng nghề, với 36 nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 90.000 lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề ở khu vực nông thôn gặp không ít khó khăn. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của người lao động, mà còn khiến hàng trăm lao động ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh mất việc làm.

Các làng nghề ở Thanh Hóa gặp khó trong đại dịch COVID -19 ảnh 1Nhiều lao động ở làng nghề rèn xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: baothanhhoa.vn

Từ xưa, nghề rèn xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã nổi tiếng với các tên làng: làng Ngọ, làng Bùi, làng Sơn. Do nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu của khách hàng, nên ngoài phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh, sản phẩm của làng nghề Tiến Lộc đã vươn ra hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt sang tận các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan.... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, sản xuất của làng nghề gặp khó khăn do sức mua giảm, thị trường tiêu thụ bị chững lại, riêng thị trường xuất khẩu gần như “đóng băng”. Làng nghề hiện không còn cảnh nhộn nhịp, người xe ra, vào bốc hàng như trước nữa.

Có thâm niên 20 năm làm nghề rèn, chưa năm nào cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Mạnh, thôn Ngọ, xã Tiến Lộc gặp nhiều khó khăn như năm nay. Theo anh Mạnh, những năm trước, khi chưa có dịch bệnh, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất của gia đình xuất đi 2 vạn con dao. Đó là chưa kể các mặt hàng khác như: cuốc, xẻng, liềm... đều có nhiều đơn hàng. Thời điểm đó, cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho từ 5 - 10 lao động và hơn 10 hộ nhận việc về nhà làm với mức thu nhập ổn định. Đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các đơn hàng giảm đáng kể, riêng hàng xuất khẩu “đóng băng” hoàn toàn. Không có việc nên gia đình phải cắt giảm nhiều lao động, chỉ để lại một vài người để duy trì sản xuất.

“Nếu dịch bệnh cứ kéo dài, các địa phương thực hiện giãn cách sẽ không có đơn hàng, chắc cơ sở phải đóng cửa hẳn. Điều lo lắng hiện nay là số tiền vay vốn ngân hàng để đầu tư nhà xưởng đến hạn vẫn phải trả, nhưng chưa biết xoay sở như thế nào,” anh Mạnh lo lắng.

Cùng chung cảnh ngộ, gần 2 năm nay, cơ sở làm nghề rèn của ông Kiều Văn Viễn, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc cũng trong tình trạng sản xuất cầm chừng, thị trường tiêu thụ thu hẹp, thu nhập cũng giảm đi đáng kể.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xe cộ hạn chế lưu thông, nên nhiều đơn hàng ngoài tỉnh buộc phải dừng lại. Một số tỉnh vẫn lưu thông được hàng hóa thì giá cước xe tăng, nguyên vật liệu cũng khan hiếm, nên giá thành sản phẩm tăng. Trong khi đó, sức tiêu thụ của sản phẩm giảm mạnh. Nếu trước đây, mỗi ngày xuất đi hàng trăm sản phẩm, giờ chỉ được vài chục sản phẩm/ngày. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người làm nghề, ông Viễn chia sẻ.

Toàn xã Tiến Lộc hiện có khoảng 1.600 hộ làm nghề rèn, chiếm tới 60% số hộ trong xã, tập trung nhiều nhất ở làng Bùi, làng Ngọ và làng Sơn. Trước đây, các sản phẩm của làng nghề làm ra khá đa dạng, như: liềm, dao, cuốc, xẻng... giá thành lại hợp lý, nên được khách hàng trong nước và nhiều nước ưa chuộng. Nhờ vậy, người làng nghề luôn có việc làm và thu nhập khá so với mặt bằng chung trong huyện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hộ phải thu hẹp quy mô sản xuất tới 80%.

Ông Hoàng Trọng Dần, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của người làm nghề ở Tiến Lộc là việc ngừng xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác. Lượng tiêu thụ sản phẩm làng nghề ở trong nước cũng giảm mạnh đã khiến cho hàng hóa bị tồn kho. Trong khi đó, nhiều hộ đã vay khá nhiều vốn để phục vụ cho sản xuất từ trước khi dịch bệnh. Đứng trước những khó khăn đó, nhiều cơ sở sản xuất ở các làng nghề đều có mong muốn các cấp, các ngành sớm có giải pháp hỗ trợ, nhất là về nguồn vốn, để họ có thể cầm cự “giữ nghề” chờ khi dịch bệnh qua đi, sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa hiện có 500 hộ, với khoảng 1.500 lao động tham gia làm nghề mây tre đan. Đây là nghề chính mang lại thu nhập và giúp nhiều gia đình cải thiện cuộc sống, với mức thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trước đây, làng nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hoá, tiêu thụ mỗi tháng 250 nghìn sản phẩm, doanh thu đạt trên 7 tỷ đồng. Nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ sản phẩm mây tre đan giảm mạnh, doanh thu giảm tới một nửa. Đặc biệt 2 tuần trở lại đây đã có rất nhiều đơn hàng bị ách tắc, không thể tiêu thụ.

Ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn rà soát, lên danh sách các hộ bị ảnh hưởng, làm căn cứ thực tế để tham mưu UBND tỉnh phương án hỗ trợ. Trước mắt, các làng nghề vẫn phải phát huy nội lực để duy trì sản xuất. Trong đó, các hộ, cơ sở sản xuất cần chú trọng hoàn thiện sản phẩm theo hướng OCOP (mỗi xã một sản phẩm); chủ động trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thích ứng với diễn biến dịch bệnh và biến động của thị trường.

Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm