Người dân vùng biên Quan San giảm nghèo nhờ trồng cây luồng

Người dân vùng biên Quan San giảm nghèo nhờ trồng cây luồng

Nhằm ngăn chặn tình trạng rừng luồng bị suy thoái và phát triển kinh tế cho người dân, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đề án trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng trên địa bàn 7 huyện miền núi. Đến nay, tỉnh đã trồng thâm canh, phục tráng được 12.980 ha rừng luồng. Khối lượng luồng sau khi trồng phục tráng đã tăng nhiều hơn trước; măng trồng to hơn và thu nhập người dân ngày càng được nâng cao.

Người dân vùng biên Quan San giảm nghèo nhờ trồng cây luồng ảnh 1Ông Hà Văn Hinh (trái), bản Hậu, xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn thu nhập 100 triệu/năm từ 3 ha luồng, 2 ha vầu, keo, kết hợp chăn nuôi,; trong đó tính riêng mình luồng đạt khoảng 50-60 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN  

Xã Tam Lư, huyện Quan Sơn là nơi có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Xã có hơn 550 hộ trồng cây luồng và trong 5 năm qua UBND xã Tam Lư đã hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng/năm để mua phân bón cho cây luồng; đồng thời, hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật. Từ đó, có nhiều hộ dân giảm nghèo, các hộ thu nhập khá từ rừng luồng đạt từ 30- 60 triệu/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 40 triệu/người/năm, xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.

Ông Hà Văn Hinh, bản Hậu, xã Tam Lư cho hay, cách đây 6 năm, gia đình ông có trồng 1 ha luồng kinh tế nhưng do phương thức trồng đã cũ, kinh nghiệm chưa có nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2016, ông Hinh được UBND xã Tam Lư hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mua phân để trồng luồng mỗi năm và cán bộ ông nghiệp UBND huyện Quan Sơn hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật trong thâm canh, phục tráng rừng luồng, ông đã xây dựng một mô hình phát triển kinh tế rừng đồi lấy cây luồng làm cây mũi nhọn.

Năm 2018, ông quyết định trồng thêm 2 ha cây luồng, 2 ha cây Vầu, Keo, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, đối với cây luồng mỗi năm gia đình ông khai thác 2 đợt; trong đó, đợt 1 là phát quang, đợt 2 khai thác xen kẻ. Đến nay, trang trại của ông Hinh đã được mở rộng lên 6 ha, bao gồm gần 4 ha luồng, 2 ha Vầu, Keo và 5 con lợn, gà và cây hái quả, thu nhập bình quân đạt 100 triệu/năm, riêng mình luồng thu nhập đạt khoảng 50-60 triệu/năm.

Người dân vùng biên Quan San giảm nghèo nhờ trồng cây luồng ảnh 2Ông Hà Văn Hinh (trái), bản Hậu, xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn thu nhập 100 triệu/năm từ 3 ha luồng, 2 ha vầu, keo, kết hợp chăn nuôi,; trong đó tính riêng mình luồng đạt khoảng 50-60 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo ông Hinh, cây luồng vốn là cây gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi vì cây không chỉ cho giá trị kinh tế, mà khi cây luồng trưởng thành còn góp phần chống sói mòn, sạt lở đất mỗi khi mùa mưa lũ xảy ra trên địa bàn.

Là người tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương để mở cơ sở sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây luồng, chị Vi Thị Hiệu, bản Hát, xã Tam Lư bày tỏ, sau khi tốt nghiệp THPT, chị đi làm thuê nhiều nơi nhưng vẫn không kiếm đủ tiền lo cho gia đình. Năm 2008, nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế bằng nghề chế biến lâm sản, chị Hiệu quyết định thực hiện mô hình chế biến các sản phẩm từ tre luồng.

Để thực hiện mô hình, chị nhập máy móc, thuê công nhân làm nhà xưởng và thu mua nguyên liệu cây luồng của bà con để sản xuất đũa. Bằng sự chăm chỉ, kiên trì trong sản xuất, kinh doanh, tới nay cơ sở kinh doanh của chị ngày càng phát triển, sản phẩm đũa được bán cho các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn tỉnh. Thu nhập bình quân của gia đình chị Hiệu đạt 100 triệu/năm, tạo việc làm cho 15 người thu nhập từ 5-7 triệu/người/tháng. Thời gian tới, gia đình chị Hiệu sẽ mở rộng sản xuất, tạo việc làm thêm cho lao động địa phương và thu mua luồng cho bà con.

Theo ông Hà Văn Quyên, Phó chủ tịch UBND xã Tam Lư, tổng diện tích rừng luồng trên địa bàn xã là 900 ha và đã được cấp chứng chỉ FSC. Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn mua phân bón cho các hộ dân và chuyển giao khoa học kĩ thuật nên trong 5 năm qua xã đã thâm canh, phục tráng được 480 ha rừng luồng, số măng ra nhiều hơn lúc chưa phục tráng và đem lại giá trị kinh tế cao.

Là một trong các huyện có diện tích rừng luồng lớn của tỉnh, huyện Quan Sơn có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của người dân tại khu vực đường vành đai biên giới còn nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2016-2021, UBND huyện Quan Sơn đã ban hành chương trình chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh, phục tráng nhằm hỗ trợ phân bón, chuyển giao khoa học kĩ thuật mới cho người dân trồng luồng.

Người dân vùng biên Quan San giảm nghèo nhờ trồng cây luồng ảnh 3 Một cơ sở sản xuất đũa từ nguyên liệu tre, luồng tại xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Bên cạnh đó, huyện Quan Sơn cũng vận động các hộ dân người dân tộc thiểu số tham gia trồng cây luồng và thu hút đầu tư mở rộng mạng lưới chế biến lâm sản đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến vào đầu tư tại địa bàn.

Huyện đã phục tráng được từ 3.000-4.000 ha rừng luồng với 1.876 hộ gia đình tham gia, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã thoát nghèo nhờ trồng cây luồng với thu nhập từ 40-60 triệu/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện lên khoảng 32 triệu/người/năm.

UBND huyện Quan Sơn cũng cho biết, huyện hiện có gần 14.000 ha rừng luồng, chủ yếu tại các xã Tam Lư, Trung Thượng, Trung Hạ, Trung Tiến. Trong năm 2020, huyện đã phục tráng 1.000 ha từng luồng với 729 hộ tham gia trong năm đầu tiên, hiện cây luồng đang phát triển tốt và dự kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trường phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn, cây luồng hiện là một trong số các cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn. Thời gian tới, huyện Quan Sơn sẽ vận động người dân tham gia trồng luồng kinh tế. Đồng thời, đưa cây luồng vào tích tụ đất đai, phục tráng thâm canh rừng luồng để nâng cao hiệu quả cây luồng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Thống kê của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tính đến tháng 5/2021, tỉnh đang có khoảng 79.000 ha rừng luồng, chủ yếu trên địa bàn các huyện gồm Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh, Cẩm Thủy…Dự kiến 2021, tỉnh Thanh Hóa sẽ thâm canh, phục tráng được 2.715 ha, góp phần thay đổi tập quán canh tác từ quảng canh sang thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cho người trồng luồng, xóa đoái giảm nghèo tại vùng miền núi đặc biệt khó khăn.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm