Từ ngày 1 - 3/1/2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ( Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa chào năm mới 2022 với Chương trình điểm nhấn “Hương sắc núi rừng”, giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống, nét đặc sắc từ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Thổ cẩm là một gia tài quý báu của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Được hình thành qua quá trình sinh hoạt, thay đổi và hoàn thiện dần theo tiến trình của xã hội, cho đến nay, thổ cẩm là điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hoá Việt và đồng thời, là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc.
Cùng là sản phẩm thổ cẩm nhưng mỗi dân tộc lại có nét hoa văn khác nhau tạo đặc trưng riêng. Cùng là thổ cẩm nhưng ở mỗi vùng miền sẽ có đặc trưng riêng về kiểu dáng, màu sắc. Và mỗi dân tộc có những hoa văn trang trí khác nhau, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng và cả nền văn hóa. Nhưng có thể khẳng định, mỗi kiểu trang phục là một công trình nghệ thuật tài hoa trong sử dụng màu sắc. Trong đó, thổ cẩm là chất liệu chính góp phần làm nên sắc thái riêng cho từng loại trang phục.
Qua hàng trăm năm, nghề dệt thổ cẩm vẫn được đồng bào các dân tộc gìn giữ như báu vật thiêng liêng. Với đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thiếu.
Trong những ngày đầu năm mới, đồng bào dân tộc Bahnar đến từ tỉnh Gia Lai sẽ tái hiện nghi thức cúng vợt sợi bông (dyeng toc brai). Thổ cẩm của đồng bào dân tộc Bahnar nổi bật bởi những nét hoa văn tinh xảo, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc. Phụ nữ dân tộc Bahnar, những người làm nên loại thổ cẩm giàu sức cuốn hút này, luôn mong muốn thổ cẩm của họ mở rộng được thị trường tiêu thụ và để tạo nên được một tấm vải thổ cẩm có giá trị cả về ý nghĩa vật chất và tinh thần.
Đồng bào dân tộc Bahnar sẽ giới thiệu quy trình tạo nên một sản phẩm dệt như các kỹ thuật bật bông, cán bông, nhuộm màu, se sợi, dệt,… Từ đó có được các sản phẩm nhiều màu sắc để du khách thưởng lãm.
Ban Tổ chức cũng sẽ cho tái hiện nghi thức cúng dâng tấm Zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế. Để làm ra những tấm zèng theo cách truyền thống, người dệt phải thực hiện nhiều công đoạn như phân loại từng sợi vải có kích thước màu sắc đồng đều, phù hợp với mục đích sử dụng, ví như tấm zèng để may trang phục, cần chọn những sợi vải mỏng mịn. Loại sợi to và thô thì dùng để dệt thảm hay chăn. Để có một sản phẩm zèng hoàn chỉnh, những người phụ nữ Tà Ôi phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất cả tháng. Trong đời sống tinh thần của người Tà Ôi, zèng không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng, là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, với những người có công với buôn làng.
Đồng bào dân tộc Tà Ôi cũng sẽ giới thiệu với du khách các quy trình tạo nên một sản phẩm dệt như kỹ thuật bật bông, cán bông, se sợi, dệt,…
Trong khuôn khổ chương trình còn có phần giới thiệu “Mâm cơm sum họp ngày cuối năm” là nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong dịp Tết đến, xuân về. Mỗi dân tộc lựa chọn một món ăn đặc trưng nhất của dân tộc mình góp cùng vào mâm cơm sum họp vừa để giới thiệu về ẩm thực vùng miền, vừa thấy được sắc màu văn hóa của các dân tộc hội tụ tại mâm cơm chung ngày cuối năm. Mọi người cùng vui vẻ ca hát chúc tụng nhau, chia sẻ, gặp gỡ, trao đổi cùng nhau những cách làm hay, ý tưởng đẹp để ngày mai đón chào năm mới với nhiều thành công may mắn và hạnh phúc.
Dự kiến còn có chương trình biểu diễn nghệ thuật múa Rối (sẽ được tổ chức nếu tình hình dịch COVID-19 trong tầm kiểm soát) với các tiết mục múa rối đặc sắc do các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam… hứa hẹn sẽ mang tới tiếng cười và những phút giây thoải mái cho du khách.
Bên cạnh đó là các hoạt động hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Hoàng Tâm