Ngày 26/7, công ty dược phẩm BioNTech (Đức) thông báo mục tiêu trong năm tới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng một vaccine ngừa sốt rét dựa trên công nghệ đột phá mRNA mà công ty này và đối tác Pfizer của Mỹ đã sử dụng để bào chế vaccine ngừa COVID-19.
Nếu thành công, vaccine này sẽ là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống bệnh sốt rét do muỗi gây ra, khiến hơn 400.000 người tử vong mỗi năm, chủ yếu là trẻ em ở châu Phi. Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành BioNTech, Ugur Sahin nêu rõ: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để phát triển một vaccine ngừa sốt rét an toàn và hiệu quả dựa trên công nghệ mRNA nhằm phòng bệnh, giảm tỉ lệ tử vong và đảm bảo một giải pháp bền vững cho lục địa châu Phi và các khu vực khác bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này”.
BioNTech cho biết sẽ đánh giá một vài ứng cử viên vaccine ngừa sốt rét và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm 2022. Dự án này của công ty đã nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, và Liên minh châu Âu (EU). Công ty dược của Đức cũng cho biết đang hướng tới việc thành lập một trung tâm về công nghệ mRNA tại châu Phi để các vaccine có thể được bào chế và phân phối trên lục địa này trong tương lai.
Các vaccine sử dụng công nghệ mRNA hướng dẫn tế bào cơ thể con người tạo ra một protein tương tự như protein tìm thấy trong virus mầm bệnh, từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra, thời gian phát triển vaccine dựa trên công nghệ này cũng ngắn hơn so với các bào chế vaccine theo phương pháp truyền thống.
Các nhà khoa học tin rằng công nghệ mRNA sẽ đóng vai trò “làm thay đổi cuộc chơi” trong phòng chống nhiều căn bệnh khác.
Minh Châu