Hàng ngày, ông Trần Cảnh Triệu, ở thôn An Xuyên 1, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định) phải đi mua từng can nước sạch từ xã khác về dùng. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN |
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Nguyễn Hữu Vui, giải pháp tốt và nhanh nhất để giải quyết nước sinh hoạt cho người dân vùng khô hạn, không thể khai thác nước ngầm là hỗ trợ vận chuyển nước sạch từ các nhà máy nước đến cấp cho người dân, với định mức hỗ trợ tối thiểu là 50 lít/hộ/ngày. Ở những vùng có nguồn nước ngầm nhưng bị thiếu nước, chính quyền các địa phương nên mở thêm mạng đường ống của các công trình cấp nước đã xây dựng để cấp nước cho dân; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho người dân khoan giếng bơm lấy nước ngầm sử dụng.
Dầm Trà Ổ khô cạn, mực nước ngầm xuống thấp, người dân thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ phải khoan giếng để tìm nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN |
Đại tá Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Bình Định) cho biết: Công an tỉnh sẽ điều động xe vận chuyển nước đến xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) và xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) để kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tùy nhu cầu thực tế ở từng địa phương mà Công an tỉnh sẽ tiếp tục điều động các xe đến cấp nước sinh hoạt cho người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó với hạn hán, trong đó ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng khô hạn. Trước mắt, Công an tỉnh duy trì hoạt động vận chuyển nước sạch để cấp cho người dân xã Phước Thuận và Mỹ Chánh trong thời gian 10 ngày. Ở những vùng có thể khoan giếng lấy nước ngầm thì các địa phương phải hỗ trợ người dân làm ngay, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí. Tuyệt đối không được để người dân thiếu nước uống, phải mua nước không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.
Đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ) có diện tích rộng hơn 1.200 ha đã cạn khô nước. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN |
Theo phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), nắng hạn kéo dài trong nhiều tháng qua đã khiến hơn 13.100 hộ dân (với khoảng 54.809 khẩu) ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước, thị xã An Nhơn bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Toàn tỉnh có 165 hồ chứa thủy lợi thì có đến 140 hồ cạn nước, dưới mức nước chết; 25 hồ chứa còn lại chỉ đạt 24% dung tích thiết kế. Nắng hạn làm cho 11.445 ha lúa vụ Thu bị thiếu nước (trong đó đối với 4.545 ha phải dùng nhiều biện pháp chống hạn, đối với 6.900 ha phải bơm vượt định mức); 481 ha lúa đã chết khô vì hạn hán.
Nguyên Linh