Chị Võ Thị Bình, xã Phú Sơn tưới nước cho vườn cây sầu riêng giống từ ao trữ nước ngọt. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN |
Từ ngày mặn xâm nhập đến thủ phủ mai vàng Vĩnh Thành, ông Nguyễn Văn Chiến chỉ dám tưới tiết kiệm từng ca nước cho mỗi gốc mai. Cứ mỗi thùng nước như vậy, ông tưới cho 8 chậu mai chờ bán tết. Tưới tiết kiệm vì nước xung quanh nhà ông đều nhiễm mặn, và ông thì chỉ có thể trữ nước trong… căn phòng ngủ lớn nhất của gia đình. Căn phòng này ông trữ được khoảng 15m3 nước phục vụ tưới cho 150 gốc mai trong 10 ngày. Trong khi đó, gia đình chị Võ Thị Bình, xã Phú Sơn và nhiều hộ khác thì chọn cách trữ nước trong ao do gia đình tự đào, trải bạt phục vụ tưới cho khoảng 1.000m2 đất sản xuất cây giống, hoa kiểng. Năm 2016, do không có phương án trữ nước nên hơn 20.000 gốc cây giống bị thiệt hại nên năm nay rút kinh nghiệm khi đài báo mặn là gia đình chị Bình tranh thủ đào ao trữ nước. Mỗi ao trữ khoảng 20m3 để phục vụ tưới cho cây, hoa được vài ngày độ mặn tăng. “Cây giống, hoa kiểng cần nhiều nước. Bây giờ cứ theo dõi nước để lấy nước vào trữ xài. Chắc có thể dùng từ đây tới tết”, chị Bình cho biết.
Trữ nước trong ao trải bạt là biện pháp được nhiều nhà vườn Chợ Lách áp dụng ứng phó hạn mặn. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN |
Những ngày độ mặn giảm, trong giới hạn cho phép tưới cây, tưới hoa thì người dân Chợ Lách lấy nước trực tiếp từ sông, rạch để tưới. Những ngày, độ mặn ở ngoài sông, rạch giảm thì người dân lấy nước vào ao, mương để trữ và tưới tiết kiệm trong những ngày triều cao, mặn xâm nhập sâu. Trữ nước trong ao, trong mương vườn là cách mà nhiều nhà vườn ở vương quốc hoa kiểng, cây giống Chợ Lách lựa chọn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cách tạm trong vài ngày, chỉ đáp ứng được lượng nước tưới cây cho những ngày mặn diễn ra ngắn ngày. Vì vậy, ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành – thủ phủ mai vàng, hơn 20 hộ dân đóng góp tiền và công sức để lợi dụng nước triều giảm, đắp cống, ngăn mặn 500m đường kênh để trữ nước ngọt, phục vụ tưới cho khoảng 3ha diện tích mai đang vào thời điểm ra nụ, phục vụ Tết. Theo ông Nguyễn Văn Định, trưởng ấp Vĩnh Phú, mọi năm, nước mặn không xuất hiện sớm, còn năm nay, nước mặn đến sớm, đúng dịp cây mai rất cần nước tưới để chuẩn bị ra hoa bán Tết. Vì mai là loại cây nhạy với nước mặn nên ở đây, ai cũng chủ động trữ nước trong ao, vườn. Nhưng, lượng nước không đủ để dùng nên mọi người cùng bàn bạc chung góp để tìm cách trữ nguồn nước lớn hơn, phục vụ được lâu dài hơn, đặc biệt trong khoảng 1 tháng đến lúc mai được bán đi.
Mô hình túi trữ nước ngọt lần đầu tiên được huyện Chợ Lách triển khai cho người dân sử dụng. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN |
Hiện nay, huyện Chợ Lách có nhiều mô hình trữ nước: lót bạt làm hồ nổi, chứa nước trong mương vườn và hệ thống thủy lợi. Mỗi mô hình trữ nước đều có hiệu quả nhưng cũng có nhược điểm. Chẳng hạn, trữ nước trong mương vườn khiến hệ thống rễ bị ngập, đất thiếu oxi, lượng nước trữ được ít, chi phí tốn kém; trữ nước nhiều trong hệ thống thủy lợi sẽ có tác động đến một số vùng sản xuất thấp, dễ bị ngập… Do đó, huyện Chợ Lách đang giới thiệu, thử nghiệm để triển khai túi trữ nước cho người dân. Đây là mô hình khắc phục được một số nhược điểm của các cách trữ nước hiện nay của người dân. Mô hình túi trữ nước, đang được huyện trình diễn tại xã Phú Sơn và đã có khoảng 500 nhà vườn đăng ký mua để sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay do kích thước túi chưa phù hợp nên huyện đề xuất cho nhà phân phối điều chỉnh kích thước túi phù hợp với điều kiện vườn nhỏ. Mỗi túi có thể trữ khoảng 15m3 nước, với giá thành khoảng 2,1 triệu đồng.
Trữ ngọt kết hợp tưới tiết kiệm là cách mà các nhà vườn ở huyện Chợ Lách đang thực hiện để ứng phó hạn mặn. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN |
Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, túi trữ nước sẽ ít tác động và giúp sản xuất ổn định. Túi nước có thể đặt ở bất cứ điểm nào, nếu đặt ở điểm cao thì có thể kết hợp song song tưới nhỏ giọt đảm bảo cho sản xuất. Hết mùa mặn thì đem túi nước cất, như vậy sử dụng được nhiều năm và giá thành rẻ hơn. Ngoài những mô hình trữ nước ngọt như trên, theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm do đặc thù của huyện Chợ Lách là vùng sản xuất cây giống, hoa kiểng nên rất cần diện tích mặt bằng. Vì vậy, huyện đang xem xét có thể áp dụng mô hình trữ ngọt trong các thùng nhựa được chôn dưới đất, có sức chứa lớn và không chiếm diện tích. Tuy nhiên, nếu tình hình mặn xâm nhập sâu và kéo dài thời gian thì cách tốt nhất để đảm bảo nguồn nước lớn phục vụ sản xuất lâu dài, không tác động nhiều đến sản xuất thì cần phải có hệ thống lấy nước từ đầu nguồn về cung cấp nước cho nhà vườn.
Trần Thị Thu Hiền