Sau 4 ngày thực hiện các nghi thức trình diễn, tối 18/4, Lễ bế mạc Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc năm 2021 đã diễn ra tại Đền Chân Suối, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo thực hiện.
Đến với Liên hoan có 18 đoàn với gần 400 diễn viên, nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan, hội viên các câu lạc bộ hoặc đang sinh hoạt tại hệ thống Trung tâm văn hóa các tỉnh, thành phố có loại hình nghệ thuật hát văn, hát chầu văn trong nước, như: Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Ninh, Lạng Sơn...
Liên hoan năm nay hướng tới kỷ niệm 5 năm triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; đồng thời, tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, hát chầu văn; tạo cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên gặp gỡ, học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; giới thiệu với công chúng, du khách về di sản văn hoá phi vật thể của các địa phương trong toàn quốc.
Ông Nguyễn Công Trung - Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch cho biết: Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2021 tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc thành công tốt đẹp. Trong những ngày qua, sân khấu Đền Chân suối, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc thực sự là một thánh đường nghệ thuật nâng bước nghệ sỹ, nghệ nhân thăng hoa, kiến tạo nên những tiết mục hay, những nghi thức đặc sắc, chứa đựng sự tri ân đối với những bậc tiền nhân có công chống giặc ngoại xâm, dựng nước, lập ấp, lập làng, truyền dạy nghề nghiệp cho nhân dân.
Gần 100 tiết mục trong đó có 20 bài hát văn, 75 nghi thức được trình diễn. Các nghi thức với nội dung cốt truyện sâu sắc được chuyển tải qua mọi giác quan. Các cung văn sử dụng thủ pháp tự sự trữ tình thể hiện qua lối hát Văn (lời mới) và hát Đồng dùng trong nghi lễ, các làn điệu Cờn, Dọc, Xá với kỹ thuật nẩy hạt, thô mộc, giản dị, đậm chất dân giã của âm nhạc cổ truyền trước đây nhưng cũng khéo kết hợp tính hoa mỹ, tinh tế với âm lượng và câu chữ của Chầu văn, ca trù và dân ca của dân tộc thiểu số của Tây Bắc.
Tại Lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao chứng nhận và khen thưởng cho các nghệ nhân, diễn viên, cung văn đã xuất sắc hoàn thành phần diễn của mình; trong đó có 19 giải A dành cho các cá nhân; 5 giải A toàn đoàn thuộc về: Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm Văn hoá Điện ảnh và Triển Lãm tỉnh Nam Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Bình, Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa,Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh Quảng Ninh.
Nguyễn Trọng Lịch