Làng gốm Mỹ Thiện thời còn vàng son rất thịnh hành. Các sản phẩm gốm theo từng chuyến xe hàng đến khắp mọi miền đất nước như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định và cả
Tây Nguyên. Một số ít còn được xuất khẩu sang Thái Lan, Campuchia, Lào... Những người làm nghề càng “nở mày nở mặt” khi sản phẩm mình làm ra vinh dự được chọn tiến cung phục vụ Chúa Nguyễn, được khen ngợi và ban sắc phong. Nhưng rồi, do không cạnh tranh nổi với cơ chế thị trường lúc bấy giờ, làng gốm Mỹ Thiện dần lụi tàn. Duy chỉ hộ ông Đặng Văn Trịnh là tâm huyết với nghề, vẫn bám lấy từng thớ đất sét để nhào nặn làm gốm.
|
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh đang “thổi hồn” vào những chiếc bình tạo nên từ đất sắt trước khi cho vào lò nung. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN |
Gốm Mỹ Thiện được sản xuất theo kỹ thuật bàn xoay. Người nghệ nhân phải dùng tay xoay bàn gỗ liên tục để vuốt và tạo hình cho đất sét. Nguyên liệu đất sét dùng để làm gốm phải là loại tốt, được lọc kỹ tạp chất. Các mặt hàng chính tạo ra từ làng gốm này là chum, ché, ghè, vò, bình vôi, ấm trà… Người nghệ nhân bằng đôi tay điêu luyện cùng óc sáng tạo của mình đã “thổi hồn” vào sản phẩm bằng những hình vẽ rồng, phụng, hoa, quả...
|
Tạo hình sản phẩm tại làng gốm Mỹ Thiện. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN |
Vừa tranh thủ làm theo đơn đặt hàng của khách, nghệ nhân Phạm Thị Thu Cúc, vợ nghệ nhân Đặng Văn Trịnh cho hay: Tạo hình có nhiều công đoạn. Đối với những hàng nhỏ, người ta chỉ lên 1-2 tầng thôi; những cái chum đựng muối, mắm tới 50-100 lít lên đến 5-6 công đoạn. Một kỹ thuật nữa là khi ráp thân trên với thân dưới với nhau phải đòi hỏi bàn tay của người làm phải khéo để hàng nung đến độ đạt lấy ra không vỡ. Đây là công đoạn đòi hỏi phải chịu khó, kỹ thuật cao mới thuần thục được.
|
Tạo hình từ những thớ đất sét tại làng gốm Mỹ Thiện. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN |
Sản phẩm làm từ gốm của gia đình ông Trịnh bán rất chạy. Nhiều người mê sản phẩm gốm đã tới đây trao đổi với nghệ nhân về mẫu mã, kiểu dáng rồi nhờ vợ chồng ông làm hộ. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đấy, thu nhập khá ổn định.
|
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi đang tìm phương án hỗ trợ nhằm vực dậy làng nghề gốm Mỹ Thiện. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN |
Để tiếp sức cho gia đình ông Trịnh, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi đã đến khảo sát, hỗ trợ máy móc nhằm giúp cơ sở gốm tiết kiệm được phần lớn thời gian công sức bỏ ra, tăng số lượng mặt hàng hơn so với làm theo kiểu truyền thống như trước. Nghệ nhân Phạm Thị Thu Cúc chia sẻ, gia đình sẽ cố gắng dành dụm, mở rộng quy mô xưởng sản xuất, rồi truyền đạt hết những kinh nghiệm cho lớp trẻ để không những phục hồi được làng nghề mà còn phát triển nó lên tầm cao mới.
|
Sản xuất gốm tại làng gốm Mỹ Thiện. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã cử đoàn xuống tham quan, tìm cách thu hút khách du lịch đến với cơ sở sản xuất gốm của gia đình ông Trịnh với mong muốn quảng bá hình ảnh sâu rộng. Thông qua đó, thực hiện hai chức năng đó là bảo tồn văn hóa song song với phát triển du lịch.
|
Những sản phẩm của làng gốm Mỹ Thiện. Ảnh: Phước Ngọc - TTXVN |
Ông Cao Chư, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho hay, Sở xác định làng gốm Mỹ Thiện là một di sản cần phải bảo tồn. Trước hết, làng nghề phải tìm ra được nguồn nguyên liệu tốt như thời xưa đã thực hiện và kế tục được những tinh túy của làng nghề xưa. Những người thợ phải hết sức tâm huyết với nghề nghiệp, không ngừng tìm tòi, học hỏi, phục hồi làng nghề. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần nỗ lực tạo không gian cho làng nghề phát triển, tạo nguyên liệu cho làng nghề phát triển, tìm đầu ra cho sản phẩm. Với những bước đi như vậy, hy vọng gốm Mỹ Thiện sẽ vẫn trường tồn theo năm tháng.