Nghi lễ và trò chơi kéo mỏ tại lễ hội đền Vua Bà, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cùng các nghi lễ và trò chơi kéo co tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bắc Ninh đã được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Gần 6 năm được vinh danh, nghi lễ và trò chơi kéo mỏ thôn Xuân Lai vẫn được cộng đồng ý thức bảo tồn và mong muốn được phát huy, quảng bá rộng rãi hơn nữa.
Đặc sắc một trò chơi
Kéo mỏ là một trong 4 trò chơi mang tính nghi lễ đặc sắc trong lễ hội đền Vua Bà, thôn Xuân Lai được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Sau các nghi thức tế lễ có 4 trò trình diễn được thực hành gồm nấu cơm thi, chạy cờ thi, kéo mỏ và vật thờ. Kéo mỏ là trò diễn thứ ba, mang ý nghĩa tâm linh được người dân thực hiện một cách nghiêm túc, thành kính, thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng với vị Thánh mà họ phụng thờ, đồng thời mong ước cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Trò diễn được thực hiện bằng hai cây tre nối với nhau, các cụ cao niên ở đây gọi là kéo mỏ. Mỏ được làm từ tre bánh tẻ, có màu xanh biếc, đủ ngọn, đủ lá, không được cộc, trong thân cây tre không có tổ kiến, thưa đốt, dài từ 7-8 mét do các gia đình cung tiến. Năm nào có nhiều gia đình cung tiến sẽ chọn hai gia đình đến trước, mỗi gia đình lấy một cây. Tre chặt về sân đền được đặt dọc trước cửa, ngọn hướng vào cửa đền, gốc quay ra ngoài, mọi người không được bước qua cây tre. Cụ Từ làm lễ kính báo với Đức Thánh Bà gia đình đã cung tiến tre, tre đã được chặt về và xin phép được làm mỏ kéo.
Quá trình làm mỏ cũng rất công phu và đảm bảo tính tâm linh. Cây tre dùng để kéo mỏ thường được các cụ làm trong một buổi chiều. Khi làm xong, các cụ dùng chạc buộc tre lên trên hiên ở đền, không được để dưới đất. Sau hội, mỏ lại được treo lên trên hiên đền, sang năm mới, khi có mỏ mới, mỏ cũ được đem đi dùng vào việc khác.
Nghi lễ kéo mỏ được tổ chức với sự tham gia của các trai đinh trong làng, tuổi từ 18-26, khỏe mạnh, gia đình không vướng tang. Mỗi năm có 2 xóm được tham gia kéo, lần lượt hết các xóm thì quay lại từ đầu. Mỗi xóm chọn ra một đội, mỗi đội 9 người cùng các cụ làm trọng tài, cầm chịch trống, cờ sai dẹp trật tự.
Khi thi đấu, các cụ thường kẻ ba điểm vạch, giữa là vạch đỏ, hai bên là vạch trắng để phân định thắng thua cho hai đội. Khi kéo, hai đội nhấc tre mỏ lên chao ra 3 lần, chao vào 3 lần để “dẹp đám”. Xong đặt tre xuống đợi hiệu lệnh của trọng tài, kéo làm 3 lần không phân định thắng thua. Đàng trong là hướng Nam, đàng ngoài là hướng Bắc. Nếu đội đàng trong thắng sẽ được mùa màng, mưa gió thuận hòa. Nếu đội đàng ngoài thắng chỉ được mùa đậu trắng, mọi thứ khác đều không thuận.
Nghi thức và trò chơi kéo mỏ được cộng đồng thôn Xuân Lai hào hứng tham gia, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà qua đó thể hiện mối đoàn kết cộng đồng của dân cư nơi đây.
Bảo tồn, phát huy trò chơi kéo mỏ
Trò diễn kéo mỏ lễ hội đền Vua Bà, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu có từ lâu đời và đặc biệt chưa khi nào bị gián đoạn, dù bị ảnh hưởng của chiến tranh, ảnh hưởng thời bao cấp khó khăn hay cả việc bài trừ mê tín dị đoan một thời. Thậm chí, khi đền thờ Vua Bà được trưng dụng thành nhà kho thời chiến tranh thì lễ hội Vua Bà vẫn được tổ chức với đầy đủ các nghi thức.
Theo ông Hoàng Văn Mão, cán bộ văn hóa - xã hội UBND xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, nghi lễ và trò chơi kéo mỏ tại lễ hội đền Vua Bà được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại là niềm tự hào không chỉ của người dân xã Xuân Lai mà của cả người dân Hà Nội. Dù cộng đồng thôn Xuân Lai rất ý thức gìn giữ di sản song có những thời điểm cây tre kéo mỏ lại được thay bằng dây kéo. Trước thực tế đó, ông Hoàng Văn Mão và địa phương đã giải thích, vận động nhân dân trong thôn sử dụng cây tre như cũ để bảo tồn bản sắc của nghi lễ và trò chơi độc đáo này. Vì vậy, sau hai năm sử dụng dây kéo, người dân thôn Xuân Lai tiếp tục làm mỏ bằng cây tre.
Từ năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo mỏ Xuân Lai cùng với các trò chơi kéo co khác của Việt Nam và các quốc gia được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được người dân thôn Xuân Lai cũng như chính quyền xã Xuân Thu và huyện Sóc Sơn quan tâm. Huyện Sóc Sơn tổ chức hội thảo về vấn đề bảo tồn, phát huy di sản kéo mỏ nhằm giúp di sản sống lâu bền trong đời sống cộng đồng và để nhiều người biết hơn tới di sản này. Trong một số hoạt động văn hóa diễn ra tại huyện Sóc Sơn và ở các địa bàn khác, người dân thôn Xuân Lai cũng được đưa di sản kéo mỏ đến giới thiệu đến đông đảo nhân dân. Cụ thể như, trình diễn tại Lễ hội Gióng đền Sóc, trình diễn tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam... Tuy vậy, nhân dân thôn Xuân Lai và chính quyền xã Xuân Thu đang mong muốn phát huy hơn nữa giá trị di sản này.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng ban Khánh tiết Di tích đền Vua Bà chia sẻ, không gian văn hóa liên quan đến di sản kéo mỏ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh rất linh thiêng. Mặc dù đền Vua Bà được xếp hạng Di tích cấp thành phố nhưng do đã quá lâu không được trùng tu, tôn tạo nên nhiều hạng mục đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Bảy cũng như người dân thôn Xuân Lai mong muốn ngành văn hóa thành phố cũng như các cơ quan liên quan quan tâm đầu tư tu bổ để lễ hội đền Vua Bà cũng như nghi lễ kéo mỏ có nơi thực hành, sinh hoạt văn hóa tâm linh.
Hà Nội có hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể, tuy vậy, di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh di sản nhân loại không nhiều. Ngoài nghi lễ và trò chơi kéo co được vinh danh cùng nhiều địa phương khác, còn có ca trù cũng được ghi danh cùng nhiều địa phương và lễ hội Gióng đền Sóc, đền Phù Đổng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có nghi lễ và trò chơi kéo mỏ, không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng mà cần cả sự chung tay và trách nhiệm của cả chính quyền địa phương cũng như ngành Văn hóa Thủ đô, để di sản có sức sống bền vững, ngày càng nhiều người biết tới hơn.
Đinh Thuận