Người dân tránh nóng bên vòi phun nước tại Nice, Pháp, ngày 22/7/2019. Ảnh: THX/ TTXVN |
Nhật báo Der Tagesspiegel của Đức cho rằng, với dân số 450 triệu người, qua thái độ và hành xử của mình, Liên minh châu Âu (EU) có thể làm thay đổi tình hình không chỉ trong EU mà cả những nơi khác trên thế giới. Theo Der Tagesspiegel, khi biết tin Tổng thống Brasil Jair Bolsonaro cho phá rừng nhiệt đới tại nước này để trồng đầu nành với chi phí thấp và dự định sẽ bán cho giới chăn nuôi tại châu Âu, EU ngay lập tức đã cho ngừng ngay hoạt động mua bán này lại. Tờ báo nhấn mạnh, EU cũng cần phải thay đổi hoạt động sản xuất thực phẩm của khối phù hợp với các quy định nhằm bảo vệ môi trường và tuân thủ mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Nhật báo Corriere della Sera của Italia lại đề cập tới sự đoàn kết giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Corriere della Sera nhấn mạnh: “Cần phải vượt qua sự ích kỷ của quốc gia nếu chúng ta muốn tránh thảm họa về khí hậu.” Cũng theo Corriere della Sera, các nhà khoa học đã cảnh báo về hiểm họa số 1 hiện nay này, tuy nhiên, nếu như không có hành động của cả thế giới, thì hiểm họa này sẽ xảy ra. Vì vậy, nhật báo số 1 của Italia đề xuất, cần kêu gọi hành động của cả thế giới. Corriere della Sera kết luận, thế giới có thể được cứu với điều kiện các quốc gia trên thế giới nhất trí hạn chế khí thải vào môi trường.
Còn nhật báo Tages-Anzeiger của Thụy Sĩ đặt câu hỏi tại sao không có động thái gì của cả thế giới khi tất cả các chỉ số môi trường đã tới giới hạn báo động. Theo báo này, cách đây hơn 10 năm, đã có những cảnh báo rằng Trái đất đã bị con người khai thác quá mức và hệ quả là hiện tượng sa mạc hóa, nạn phá rừng, khí thải nhà kính làm Trái đất nóng lên và làm suy yếu hệ thống sinh thái… Tờ báo cho rằng hoạt động khai thác nông-lâm nghiệp cần phải được chuyển đổi theo hướng nông nghiệp sạch, thương mại thế giới hoạt động theo hướng bền vững, giảm sử dụng thịt trong thực đơn của mỗi gia đình. Những đề xuất này đã được nêu ra trong báo cáo về nông nghiệp thế giới của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới vào năm 2008. Ở thời điểm đó, các nhân vật chủ chốt trong tất cả các lĩnh vực đã thống nhất phối hợp hành động. Tuy nhiên, tới nay đã hơn 10 năm, IPCC một lần nữa kêu gọi thế giới cùng chung tay hành động nếu không muốn tình hình trở nên không thể cứu vãn được nữa./.
Đức Hùng (P/v TTXVN tại Brussels)
TTXVN