Chiều 14/7, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức tọa đàm với chủ đề “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản”.
Tại buổi tọa đàm, ông Đào Trọng Đại, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết, để nâng cao hiệu quả trong việc hỗ trợ nông dân, nhất là hình thành các chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục mở rộng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ nông sản tại các địa bàn cấp huyện, cấp xã trong tỉnh.
Cùng đó, tăng cường kết nối trực tuyến, phát triển thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản cho nông dân; xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với kết nối tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản. Đồng thời, mở rộng các loại hình đào tạo, ngành nghề đào tạo, định hướng việc làm và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn, bảo đảm sau khi học nghề học viên tự tin tham gia sản xuất, tiếp cận thị trường lao động và nâng cao thu nhập…
Theo ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, trên địa bản tỉnh có 39 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có 6 hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Những chuỗi liên kết này góp phần thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và tránh tình trạng được mùa, mất giá.
Theo ông Nguyễn Công Trình, mặc dù, các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã phát huy được hiệu quả nhưng ở quy mô nhỏ. Trong khi đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã, thương lái còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ còn thiếu ổn định nên chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất. Quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu theo phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, chưa thực sự quan tâm đến sản xuất thực phẩm an toàn.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường liên kết để thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, AseanGAP, GlobalGAP... đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của đơn vị tiêu thụ sản phẩm và định hướng xuất khẩu. Cùng với đó, xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong vùng nguyên liệu và các trang trại vệ tinh để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm và gia tăng lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp…
Thạc sỹ Đinh Nam Thắng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp an toàn theo VietGAP, VietGAHP… ngày càng được triển khai áp dụng rộng rãi. Các sản phẩm nông nghiệp được nâng cao về chất lượng, số lượng, đa dạng về chủng loại do vậy đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn và thị hiếu tiêu dùng khác nhau. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh còn còn gặp nhiều khó khăn thách thức.
Thời gian tới, tỉnh cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông sản. Theo đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, áp dụng khoa học công nghệ, gắn với chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm để tạo dựng sản phẩm mang thương hiệu riêng.
Chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong cho biết, nhận thấy tầm quan trọng của việc sản xuất thực phẩm sạch, nên ngay từ khi thành lập công ty, chị đã hướng đến sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Do đó, sản phẩm của công ty dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường tại các siêu thị lớn như Vinmart, Big C.
Đến nay, Công ty Hải Phong, có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, nổi bật nhất là “Dưa leo baby” là mặt hàng luôn trong tình trạng thiếu hàng, nhờ chất lượng mẫu mã đẹp.
Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn do người dân, doanh nghiệp chưa dám mạo hiểm trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, thời gian thuê đất ngắn nên gây tâm lý lo lắng cho người đầu tư khi không đảm bảo được thời gian khấu hao. Vì thế, doanh nghiệp cùng lĩnh vực khó tìm được đối tác để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Theo chị Trâm, thực tế hiện nay cho thấy, thuê đất ngắn hạn nên công ty không dám mạo hiểm cho việc xây dựng thêm những nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến các mặt hàng nông sản. Do đó, công ty mong muốn được tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện chuyển đổi đất sang thuê đất lâu năm..
Quang Nhiều