Bắc Giang chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

Bắc Giang chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

Năm 2021, theo dự báo, các hình thái thời tiết cực đoan ở nước ta (trong đó có tỉnh Bắc Giang) vẫn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Vì thế, tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.

Tỉnh tăng cường hoạt động thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến (nhất là bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất) bằng nhiều hình thức, đảm bảo thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng. Bắc Giang kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành; chỉ đạo thực hiện diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Tỉnh Bắc Giang rà soát, xây dựng, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 379 ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện, xã; tiếp tục xây dựng, củng cố, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp cơ sở để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai trên địa bàn gắn với thực hiện tiêu chí 3.2. “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai tại các khu vực xung yếu, đông dân cư. Tỉnh tăng ngân sách dành cho tu bổ, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng; tăng cường kiểm tra, thanh tra các vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn. Bắc Giang điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm vùng miền, đảm bảo hiệu quả và bền vững…

Năm 2020, tại Bắc Giang đã xảy ra một số thiệt hại về tài sản, hoa màu và về người do thiên tai gây ra với tổng giá trị thiệt hại ước khoảng trên 44 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 1.711 nhà ở (chủ yếu là nhà đơn sơ) thiệt hại do dông, lốc. Về sản xuất nông nghiệp, có 1.163 ha lúa; 67,4 ha ngô, rau màu, hoa màu; 8,8 ha cây lâm nghiệp; 6,3 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 300 con gia cầm bị chết. Về cơ sở hạ tầng, sạt lở núi Y Sơn làm 2 điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa bị ảnh hưởng; sập 350 m2 vòm mái nhà văn hóa thôn Bãi Trại, xã Lan Giới, sập đổ tường nhà văn hóa xã Cao Xá, huyện Tân Yên; 6 công trình thủy lợi bị hư hỏng; sạt lở các tuyến Quốc lộ 31, 279, các tuyến Tỉnh lộ 291, 293, đường Vô Tranh – Đông Triều (nhánh 2)…

Năm 2020 các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt quản lý, khai thác và đảm bảo an toàn 1.300 công trình thủy lợi theo phân cấp gồm 274 hồ chứa, 203 đập dâng, 823 trạm bơm, 6.481 km kênh tưới và 1.443 km kênh tiêu các loại. Tỉnh thực hiện đào, đắp, nạo vét 550.000 m3 bùn đất các loại; 1.694 m3 đá, gạch xây các loại; sửa chữa 265 tổ máy phục vụ tưới, tiêu, đảm bảo chống lũ, lụt, tiêu úng… Toàn tỉnh đã xử lý 404 trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai. Việt Hùng

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm