Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có nhiều nông dân đã đẩy mạnh triển khai cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí, giải phóng sức lao động nhưng lại tăng thu nhập cho người nông dân.
Gia đình anh Nguyễn Cảnh Thái Dương, ngụ ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức có 1,5ha trồng bơ đã cho thu hoạch. Thế nhưng, thời gian qua nhờ mạnh dạn cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình anh đã có nhiều bước tiến đáng kể, giảm chi phí trong khâu chăm sóc cây bơ, giảm nhân công lao động. Anh sử dụng nhiều công nghệ mới vào canh tác vườn bơ như hệ thống máy giám sát dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm của cây nhằm cho ra những trái bơ chất lượng.
Ngoài ra, gia đình anh còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, máy xới đất, máy phát cỏ…. nên với việc cơ giới hóa, vườn cây của gia đình anh được chăm sóc rất tốt, áp dụng quy trình theo chuẩn VietGAP khiến năng suất cũng khá cao từ 15-20 tấn/ha/năm, giá bán luôn dao động ở mức từ 70-80 nghìn đồng/kg.
Vụ lúa Đông - Xuân 2020-2021, Hội Nông dân huyện Long Điền đã phối hợp với Công ty Cổ phần SNEWRICE có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trình diễn phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái (drone) trên hơn 30ha lúa tại xã An Nhứt. Hình thức này bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực và hứa hẹn có khả năng triển khai trên diện rộng trong thời gian tới. Đây cũng là hoạt động nằm trong dự án triển khai ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào canh tác nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Với drone, hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ, mịn, giúp nông dân giảm lượng nước thực tế cần dùng mà vẫn đảm bảo độ trải đều bề mặt và mang lại hiệu quả cao. Việc phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa bằng drone còn giúp tăng năng suất lao động từ 15-30 lần, rút ngắn thời gian phun thuốc trên 1 đơn vị diện tích; giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với phun xịt thông thường.
Tận mắt chứng kiến những thiết bị bay phun thuốc trên cánh đồng, ông Huỳnh Văn Mạnh (ấp An Lạc, xã An Nhứt) cho biết, trước đây, ông phun thuốc bảo vệ thực vật bằng bình đeo sau lưng. Dù được trang bị dụng cụ bảo hộ như áo mưa, găng tay, ủng chân nhưng ông không tránh khỏi việc hít phải mùi thuốc. Thế nhưng, vụ Đông - Xuân này, ông đã đăng ký với Hội Nông dân xã phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone trên 4ha lúa của gia đình.
“Với hình thức phun thuốc thủ công, mỗi ha lúa, tôi phải tốn 400 ngàn đồng tiền thuê công lao động. Vụ Đông - Xuân 2020-2021, tôi phun bằng drone, chi phí thấp hơn, chỉ 350 ngàn đồng/ha, đồng thời lượng thuốc giảm gần 30%. Do đó, tôi sẽ dùng drone để phun thuốc trong các vụ lúa tới”, ông Huỳnh Văn Mạnh chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt, huyện Long Điền phun thuốc bằng drone vừa tiết kiệm lượng nước, thuốc bảo vệ thực vật vừa giảm tổn thất sản lượng lúa từ 150-200 kg/ha so với phun xịt thuốc thông thường do lúa không bị dẫm đạp như khi phun bằng bình.
“Trên cánh đồng của hợp tác xã, nông dân liên kết sản xuất, gieo trồng đồng loạt trên diện tích hơn 200ha, nên việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh là rất hiệu quả”, ông Thành cho biết thêm.
Không chỉ sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, hiện nay các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt cũng đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt. Đến nay, các thành viên của hợp tác xã đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất, thu hoạch. Máy móc, phương tiện, trang thiết bị cơ giới hóa ngày càng đa dạng đã đáp ứng nhu cầu sử dụng của nông dân trong các khâu xuất.
Theo thống kê từ ngành nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 400 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, với số lượng hơn 105 nghìn chiếc; trong đó, máy móc tập trung chủ yếu ở các khâu như làm đất, tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, vận chuyển và phương tiện khai thác hải sản.
Cùng với đó, các khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản hiện nay chỉ dừng lại ở một số mô hình ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản rau, trái cây sau thu hoạch. Mức độ cơ giới hóa bình quân các khâu trong sản xuất nông nghiệp như: khâu làm đất đạt 100%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 80%; khâu thu hoạch đạt 40%; khâu sấy 30%. Việc ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp đã góp phần giảm công lao động, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất, chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thực hiện chính sách phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp, thủy sản (Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND) và chính sách hỗ trợ trang thiết bị, vật tư phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2019-2020 (Nghị quyết 39/2018/NQ-HĐND), đến nay, Chi cục đã hỗ trợ hơn 300 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất với hơn 250 hộ/hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như máy sạ hàng, vùi phân cho Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt; hệ thống tưới trọn gói, máy xới đất, máy cưa xích cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Dương…
Trong thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê số lượng máy móc, thiết bị; từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh.
Hoàng Nhị