Australia phát triển quy trình sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững từ khí bãi rác

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học thuộc Đại học Sydney (Australia) đã phát triển một quy trình hóa học sử dụng công nghệ Plasma lạnh (Non-thermal Plasma – NTP) có thể tạo ra nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ khí methane thải ra ở các bãi chôn lấp rác, mở ra cơ hội lớn trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon trong hàng không.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội hóa học Mỹ số ra gần đây và trên trang tin của Đại học Sydney ngày 1/5. Trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu đang tìm kiếm nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) nhằm đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, các hãng hàng không đang phải chật vật với tình trạng thiếu nguồn cung và chi phí cao hơn gấp 3 - 5 lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống.

Theo công bố của nhóm nghiên cứu tại Đại học Sydney, quy trình mới nói trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi khí methane từ bãi chôn lấp rác thành các sản phẩm có giá trị trong sản xuất SAF thông qua việc đốt cháy các electron năng lượng cao trong khí bãi rác bằng công nghệ NTP. Quy trình này không cần nhiệt hoặc áp suất, nghĩa là tiêu thụ ít năng lượng hơn, do đó có khả năng phù hợp với các nguồn năng lượng tái tạo.

Giáo sư PJ Cullen tại Khoa Kỹ thuật hóa học và Phân tử sinh học (Đại học Sydney), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Trên toàn cầu, các bãi chôn lấp rác là nguồn phát thải khí nhà kính lớn, chủ yếu là hỗn hợp CO2 và CH4 (methane). Chúng tôi đã phát triển một quy trình có thể thu giữ các loại khí này và chuyển đổi chúng thành nhiên liệu, nhắm vào các lĩnh vực khó điện khí hóa như lĩnh vực hàng không”.

Ông Cullen cho rằng các cơ sở chôn lấp hiện đại ngày nay vốn đã áp dụng các công nghệ để thu giữ, nâng cấp và đốt khí thải để sản xuất điện. Tuy nhiên, quy trình mới của nhóm mang lại tác động tích cực đáng kể đến môi trường và có giá trị thương mại lớn hơn nhiều.

Theo ông Richard Kirkman, Giám đốc điều hành công ty quản lý chất thải Veolia của Australia và New Zealand, tất cả rác thải tại Australia đều có thể được chuyển đổi thành năng lượng, điều này có thể bổ sung khoảng 10% nguồn cung cấp năng lượng cho quốc gia này.

Khí methane là một loại khí nhà kính mạnh hơn nhiều so với CO2. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nồng độ khí methane trong khí quyển hiện cao hơn khoảng 2,5 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp và tỷ lệ này tăng đều do lượng khí thải từ rác và hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Các nhà khoa học ước tính các bãi rác trên toàn cầu thải ra khoảng 10–20 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm, tương đương lượng phát thải của ngành năng lượng toàn cầu.

Lê Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm