An Giang ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn

Chiều 10/9, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Rạch Cái Sắn đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá, từ năm 2019 đến nay đã xảy ra 4 đợt sụt lún, sạt lở. Trong đó, đợt xảy ra vào ngày 10/6/2019, vết nứt khoảng 3-10cm, với chiều dài 40m, lún sâu khoảng 10cm, cách Rạch Năm Sú 60m về hạ nguồn. Gần đây nhất, vào ngày 25/5/2020 xuất hiện sụt lún, trượt mái bờ với chiều dài 175m đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá, ngay khu vực chợ Cái Sắn và khu dân cư sinh sống tập trung. Vết nứt rộng khoảng 1-3cm, mảng bờ lún khoảng 5cm, làm xiêu vẹo nhiều căn nhà tạm trên cọc ven bờ, ảnh hưởng đến 39 hộ dân sống trên đoạn này.


Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang: Sạt lở đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá trong thời gian tới sẽ diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng mức độ ảnh hưởng với chiều dài cảnh báo là 2.300m từ vàm Sông Hậu đến hết ranh giới phường Mỹ Thạnh.

"Nguyên nhân sạt lở rạch Cái Sắn bước đầu được xác định đây là khu vực nằm trên khúc cua, áp lực dòng chảy mạnh sát bờ vào mùa nước đổ, khu vực bờ đối diện thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, có nhiều nhà máy xay xát với nhiều phương tiện thủy lưu thông, quay đầu, làm dòng nước đập mạnh vào phía bờ An Giang gây sạt lở", ông Thọ cho biết.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang: Địa hình đáy sông đoạn rạch Cái Sắn hầu hết có dạng hình chữ U với đáy lệch sang bờ phường Mỹ Thạnh, độ sâu ghi nhận phổ biến nằm giữa lòng sông từ âm 6m đến âm 7,5m, mái dốc khá đứng. Tuy nhiên, quanh khu vực xảy ra răn nứt, sụp lún, độ sâu ghi nhận từ âm 8m đến âm 9,7m. Đây là khu vực xuất hiện xoáy cuộn vào mùa nước đổ, đồng thời cũng là khu vực thường xuyên xảy ra sụt lún, nứt đường bờ như vừa đề cập ở trên.

Hiện sạt lở rạch Cái Sắn đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, thuộc mức độ đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến khu vực chợ Cái Sắn, khu vực dân cư sinh sống tập trung. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang đề nghị UBND tỉnh quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá.

UBND tỉnh An Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường khoanh vùng có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; UBND thành phố Long Xuyên vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: UBND tỉnh cũng yêu cầu thành phố Long Xuyên cắm biển báo, rào chắn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.

UBND tỉnh An Giang cũng giao thành phố Long Xuyên nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án khắc phục sự cố sạt lở; huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để hạn chế quá trình đào, khoét lòng sông, lòng đường và đường bờ trong đoạn được cảnh báo nhằm giảm thiểu tối đa sạt lở.


Thanh Sang

Tin liên quan

An Giang tạm ứng thêm 24 tỷ đồng để xử lý sạt lở trên Quốc lộ 91

Liên quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 91, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) làm sụp hoàn toàn mặt đường Quốc lộ 91 xuống sông Hậu, chiều 20/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký Quyết định số 2027/QĐ-UBND tạm ứng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh để xử lý sạt lở khẩn cấp tuyến Quốc lộ 91.


Kiên Giang sạt lở nghiêm trọng 86 km bờ biển

Hiện bờ biển của tỉnh Kiên Giang bị sạt lở nghiêm trọng 86 km, tập trung trên địa bàn 4 huyện là An Minh 34,5 km, An Biên 20 km, Hòn Đất 25 km và Kiên Lương khoảng 7 km, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân.


Kiên Giang sạt lở nặng 70 km bờ biển Tây

Bờ biển Tây tỉnh Kiên Giang từ Mũi Nai, thị xã Hà Tiên đến Tiểu Dừa, huyện An Minh dài hơn 200 km. Hiện nay, nhiều đoạn trên tuyến bờ biển này bị sạt lở nặng, với tổng chiều dài khoảng 70 km; trong đó, hơn 30 km sạt lở nghiêm trọng, tập trung ở các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh.



Đề xuất