Sạt lở nghiêm trọng khu vực bờ biển Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, những năm qua, diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình xói lở bờ biển diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cả về phạm vi và quy mô. Nhiều khu vực ven biển Kiên Giang, xói lở uy hiếp trực tiếp đến rừng phòng hộ, tuyến đê biển, cơ sở hạ tầng, tác động nghiêm trọng đến môi trường, sinh kế và tính mạng người dân sinh sống ven biển. Việc đầu tư xây dựng các công trình ngăn chặn, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, đê biển vượt khả năng của địa phương.
Sạt lở nghiêm trọng khu vực bờ biển Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Tỉnh Kiên Giang có chiều dài bờ biển khoảng 200 km, từ xã Bình An (huyện Kiên Lương) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh). Các bãi bồi ven biển không ổn định. Nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, bồi lở theo mùa và bồi tụ ít, lở nhiều, nhất là vào giai đoạn cao điểm mùa mưa bão. Thời gian qua, tỉnh đã được Trung ương hỗ trợ, nỗ lực của địa phương trong việc phòng chống, ngăn chặn sạt lở, nhiều dự án, công trình được triển khai thực hiện, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ biển còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cấp bách và ngày phức tạp. Ước tính, tổng kinh phí đầu tư khắc phục, ngăn chặn sạt lở bờ biển, đê biển trên địa bàn tỉnh gần 2.000 tỷ đồng. Khu vực sạt lở bờ biển nghiêm trọng cần xử lý nhanh gồm: Công trình kè chống sạt lở khu vực Mũi Rãnh (An Biên) đang xây dựng. Tiếp đến, các công trình kè chống sạt lở khu vực Xẻo Nhàu (An Minh) chiều dài 6,5 km; kè giảm sóng, gây bồi tạo bãi, chống sạt lở từ rạch Tiểu Dừa đến rạch Mười Thân (An Minh) dài 10 km; xử lý đoạn đê bị đứt vàm Kim Quy và các đoạn sạt lở cục bộ nghiêm trọng sát chân đê từ Kim Quy đến Tiểu Dừa (An Minh).
Kè tạm ngăn sạt lở bảo vệ đê quốc phòng khu vực bờ biển Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Các khu vực bờ biển nguy hiểm cần tiếp tục xử lý do sạt lở ven bờ, có đoạn xói lở đến chân đê biển, uy hiếp, đe dọa hạ tầng, đời sống dân sinh. Cụ thể: Kè chống sạt lở đoạn Thứ Nhất - Xẻo Quao (An Biên), dài 15 km. Kè chống sạt lở đoạn Xẻo Nhàu - Mương Đào (An Minh) dài 18 km. Kè chống sạt lở đoạn bờ biển địa bàn huyện Hòn Đất dài 25 km. Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, xảy ra mưa giông, gió mạnh và triều cường dâng cao bất thường đã tràn qua tuyến đê biển gây ngập sâu, làm thiệt hại nhà cửa, tài sản của các hộ dân sống ven đê thuộc xã Vân Khánh Tây (An Minh); trong đó, đoạn Kim Quy - Tiểu Dừa ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa bão trong thời gian tới, triển khai đồng bộ phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, không chủ quan, lơ là. Cụ thể, địa phương sẵn sàng lực lượng và phương tiện đảm bảo cứu hộ, cứu nạn khi tình huống xấu, bất ngờ xảy ra; di dời người già, phụ nữ, trẻ em đến nơi an toàn. Tỉnh triển khai bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, trật tự an toàn xã hội; kiểm tra đoạn đê biển xung yếu, gia cố chống tràn, bảo vệ sản xuất, đời sống, sinh hoạt nhân dân ven biển.
Lê Huy Hải