Để phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2022 - 2025, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) xác định trúc sào là cây trồng mũi nhọn, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, Nguyên Bình phát triển được trên 2.284 ha trúc sào tại 16 xã, thị trấn, trong đó có khoảng 1.920 ha đang cho khai thác ổn định, tập trung tại các xã: Ca Thành, Vũ Nông, Triệu Nguyên, thị trấn Tĩnh Túc… Trúc sào Nguyên Bình có đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dễ uốn nên được nhiều cơ sở chọn mua để sản xuất bàn, ghế, giấy ăn, chiếu trúc, sản phẩm mỹ nghệ… Để có được sản phẩm hoàn thiện, ngoài việc tỉ mẩn trong cách làm thì khâu sản xuất cũng phải trải qua nhiều công đoạn như: cưa trúc, rửa sạch, sấy, tuốt nan trúc... Nhờ trồng trúc, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã có thu nhập 100 - 200 triệu đồng/năm, đời sống không ngừng cải thiện.
Nhằm khai thác thế mạnh cây trúc sào, Nguyên Bình phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trúc sào đạt 2.500 ha. Huyện cũng triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác cây trúc sào theo quy hoạch vùng sản xuất trong từng giai đoạn; đẩy mạnh hỗ trợ các hộ trồng trúc sào theo đúng Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về Chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn.
Hoàng Tâm