Cao Bằng vốn là vùng đất có giống trúc sào rất đẹp, mọc đầy trên những núi đồi của các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Thông Nông… Trước đây, do điều kiện khai thác khó khăn, cước vận chuyển cao, giá bán trúc rẻ, khiến người dân không mấy tha thiết mặn với cây trúc. Trong hoàn cảnh đó, một ông chủ khách sạn có tiếng ở thành phố Cao Bằng đã bán hết tài sản, nhà cửa để vào vào tận chân núi xây dựng cơ sở chế biến trúc, nâng tầm giá trị cho loại cây xinh đẹp này, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trồng trúc.
Ông là Nguyễn Quang Quyền, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên 688. Hồi tưởng về những ngày tháng bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất chiếu trúc, ông Quyền chia sẻ: hơn 10 năm trước, khi đang kinh doanh dịch vụ du lịch, ông thường đưa khách đi thăm những cánh rừng trúc bạt ngàn, xinh đẹp ở huyện Nguyên Bình. Nơi đây trúc nhiều vô kể, trúc rất đẹp, chất lượng tốt nhưng đa phần người trồng trúc đều là hộ nghèo, thậm chí rất nghèo. Nhiều cánh rừng trúc bị bỏ hoang không ai khai thác bởi giá trúc thấp, đường xá lại quá xa xôi. Sau nhiều đêm trăn trở, cần phải làm gì để những cánh rừng trúc xinh kia biến thành giá trị, thành cơ hội thoát nghèo, thậm chí làm giàu cho bà con dân tộc ít người nơi đây, năm 2013, ông đã quyết định bán hết khách sạn, tài sản, từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi phố thị để dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, đầy chông gai.
Vượt qua nhiều thử thách, có thời điểm tưởng chừng phá sản, ông đã cho ra đời những chiếc chiếu trúc chất lượng cao mang thương hiệu Chiếu trúc 688 Cao Bằng. Những chiếc chiếu này còn được người dùng đặt cho mệnh danh chiếu điều hòa bởi mùa hè nằm trên chiếu sẽ có cảm giác mát lành, thư thái. Chiếu được làm từ cật trúc, màu sắc xanh mát, không tẩm hóa chất, rất an toàn cho người dùng. Chiếu được mài nhẵn bóng, càng dùng lâu càng bóng, càng đẹp. Tuổi thọ sản phẩm lên tới 20 - 30 năm, thậm chí còn lâu hơn nên được người dùng rất ưa chuộng.
Bên cạnh chiếu trúc bình thường, ông Quyền còn nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm chiếu trúc hoạt tính, rất có lợi cho sức khỏe của người dùng. Không chỉ sản xuất chiếu, cơ sở của ông Quyền còn tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ trúc như cặp sách, túi, sắc, đèn ngủ, rèm trúc, mành trúc, đồ trang trí nội thất…
Với tính ưu việt vượt trội so với các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc, các sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên 688 đã giành được nhiều danh hiệu như: Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2019, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021, đạt sản phẩm OCOP 4 sao năm 2022…
Cùng với thành công trong xây dựng thương hiệu sản phẩm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên 688 đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 70 người lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng, góp phần quan trọng giải quyết đầu ra cho sản phẩm cây trúc của nông dân các huyện Nguyên Bình, Thông Nông, Hòa An.
Sau 10 năm nhà máy đi vào hoạt động, nông dân trồng trúc đã được bán trúc nguyên liệu với giá cao. Thời điểm 2013, giá trúc là 3 - 4 triệu đồng/xe 15m3, đến nay, giá trúc đã tăng lên mức 12 triệu đồng/xe, gấp 3 - 4 lần so với 10 năm trước, qua đó cải thiện đáng kể đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn miền núi huyện Nguyên Bình khởi sắc.
Mặc dù đã có những thành công nhất định, ông Nguyễn Quang Quyền vẫn ấp ủ những ước mơ, tiếp tục tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu chế biến ra những sản phẩm mới để cung cấp cho thị trường; nâng cao giá trị cho cây trúc, góp phần làm giàu cho quê hương.
Quốc Đạt