Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Hiện đại hóa ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện đại hóa ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh
Những mốc son lịch sử
Vào thời điểm mới tiếp quản, mạng lưới truyền tải điện miền Nam có 275 km đường dây 230 kV, 543 km đường dây 66 kV, 1 trạm (Sài Gòn) 230 kV/66 kV/15 kV có tổng công suất 168 MVA, 28 trạm 66 kV/15 kV tổng công suất 432 MVA.
Công nhân dùng sào cách điện thực hiện thao tác đóng, cắt điện trong trạm biến điện trong những năm đầu mới giải phóng thống nhất đất nước. Ảnh Tư liệu - TTXVN phát
Công nhân dùng sào cách điện thực hiện thao tác đóng, cắt điện trong trạm biến điện trong những năm đầu mới giải phóng thống nhất đất nước. Ảnh Tư liệu - TTXVN phát

Lưới điện được chia ra làm ba hệ thống độc lập: miền Đông gồm Sài Gòn và Đồng Nai, Long An, Tiền Giang; Cao nguyên gồm nhà máy điện Đa Nhim, một phần các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Khánh Hòa; miền Tây gồm các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Đến cuối năm 1975, sau khi khôi phục đường dây 230 kV Đa Nhim - Sài Gòn, hai lưới điện miền Đông và Cao nguyên mới được nối thông.
 
Sau ngày giải phóng, hệ thống nguồn và lưới điện đã xuống cấp, khu vực ngoại thành của thành phố chưa có điện khiến hàng chục nghìn hộ gia đình không có điện. Toàn vùng ngoại thành mới chỉ có trên 10% số hộ được dùng điện lưới.
Thi công trên đường dây đang mang điện (live-line working) để giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
Thi công trên đường dây đang mang điện (live-line working) để giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

Trong giai đoạn này, ngành điện thành phố đã tăng cường nguồn điện cho ngoại thành bằng việc tập trung xây dựng và đưa vào vận hành một số trạm trung gian mới như: Trạm Phú Hòa Đông (10 MVA), Hóc Môn (40 MVA), An Nghĩa (2MVA), Bình Triệu (40MVA) và đặc biệt kéo lưới điện quốc gia về cho Cần Giờ. Giai đoạn 1990 – 1994, ngành điện thành phố triển khai Công trình thí điểm điện khí hóa xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi và đạt được thành công mang tính đột phá.
 
Sau thành công đạt được trong giai đoạn thí điểm điện khí hóa, Sở Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ tiếp tục nhận nhiệm vụ nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố. Để giải quyết bài toán nguồn vốn, Sở đã đề xuất với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương phụ thu tiền điện, dùng nguồn vốn của nhân dân đóng góp cải tạo lưới điện và tái đầu tư lưới điện, kết hợp với nguồn vốn của ngành điện phủ kín lưới điện cho các xã ngoại thành. Kết quả, đến cuối năm 1994, ngành điện thành phố đã hoàn thiện lưới điện 20 xã, với tổng vốn đầu tư  117,8 tỷ đồng.
Công nhân ngành điện cải tạo, sửa chữa lưới điện trung thế. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Công nhân ngành điện cải tạo, sửa chữa lưới điện trung thế. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
 
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cho biết, trong các năm từ 1995 -1997, ngành điện thành phố thực hiện 60 công trình điện khí hóa và hoàn thiện lưới điện cấp xã với tổng kinh phí đầu tư hơn 325 tỷ đồng. Đến cuối năm 2002, EVN HCMC là đơn vị hoàn thành sớm nhất chương trình điện khí hóa nông thôn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
 
Tháng 4/2015, Tổng công ty đã hoàn tất công trình kéo lưới điện 22kV vượt biển về xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ và đến tháng 4/2016 là công trình lưới điện 22kV xuyên rừng cấp điện cho ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạch An), đưa điện lưới quốc gia đến khu vực cuối cùng của Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với một số hộ dân sống rải rác trong rừng phòng hộ, chưa có cơ sở hạ tầng (đường bờ bao, bờ ruộng…), Tổng công ty đã giải quyết cấp điện thông qua hệ thống pin năng lượng mặt trời.
 
Xây dựng điện lưới thông minh
Cùng với sự đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, ngành điện thành phố cũng thay đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển qua việc hoàn thành nhiều dự án hiện đại hóa lưới điện. Đặc biệt trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang “chuyển mình” thành một đô thị thông minh, ngành đã triển khai các chương trình phát triển lưới điện thông minh.
Trung tâm điều khiển lưới điện từ xa với nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện, điều khiển tự động trên toàn lưới điện của thành phố. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
Trung tâm điều khiển lưới điện từ xa với nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện, điều khiển tự động trên toàn lưới điện của thành phố. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
 
Từ năm 2016, EVN HCMC đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống điều hành lưới điện hiện đại (SCADA/DMS) và năm 2017 thành lập Trung tâm Điều khiển lưới điện từ xa với nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình cung cấp điện, điều khiển tự động trên toàn lưới điện của thành phố.

Cùng với đó, hoàn tất việc chuyển sang điều hành từ xa, không người trực tại 42/50 trạm trung gian 110kV của thành phố. Số còn lại sẽ hoàn tất trong năm 2018 nhằm đảm bảo tất cả trạm biến áp 110kV trên toàn thành phố đều được điều khiển từ xa qua Trung tâm điều hành.
 
Bên cạnh đó, EVN HCMC cũng thực hiện kế hoạch tự động hóa lưới điện phân phối 220kV; đẩy mạnh ứng dụng thi công trên đường dây đang mang điện (live-line working) để giảm thiểu thời gian gián đoạn cung cấp điện.

Đơn vị cũng đã nghiên cứu chế tạo thành công và đưa vào sử dụng 21 bộ vệ sinh cách điện lưới 110kV, 220kV bằng vòi nước áp lực cao để bảo trì lưới điện mà không phải cắt điện, góp phần giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
Công nhân Công ty Điện lực Sài Gòn thi công ngầm hóa lưới điện thành phố. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
Công nhân Công ty Điện lực Sài Gòn thi công ngầm hóa lưới điện thành phố. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN
 
Đáng chú ý, EVN HCMC đã thực hiện thí điểm mô hình Micro Grid (lưới điện thông minh khu vực) tại 4 khu vực: Khu Công nghệ cao quận 9, khu văn phòng thương mại dọc các trục đường chính ở quận 1, khu dân cư Miếu Nổi quận Phú Nhuận và khu dân cư quận 7, làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình này trong năm 2018 và các năm tiếp theo.
 
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC, bên cạnh những giải pháp kỹ thuật, Tổng công ty cũng hiện đại hóa kênh thanh toán và chăm sóc khách hàng. Hiện EVN HCMC đã thực hiện 19 loại hình giao dịch với khách hàng qua 4 hình thức giao dịch trực tuyến, hợp tác với 22 ngân hàng và 9 đối tác để khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại hơn 5.700 điểm thu ngoài hệ thống điện lực.
 
Sau những nỗ lực triển khai các giải pháp công nghệ mới, độ tin cậy lưới điện được nâng cao với chỉ số SAIFI (số lần mất điện trung bình 1 khách hàng) năm 2017 là 3,02 lần, tăng 40,81% so với năm 2016.

Năm 2017, đơn vị tư vấn độc lập thực hiện khảo sát với mức độ hài lòng chung đối với EVN HCMC đạt 8,26/10 điểm, thể hiện sự hài lòng của khách hàng đối với những nỗ lực của ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh./.
 Nguyễn Chung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm