Đến liên hệ tại UBND xã Tà Hine, chúng tôi được một cán bộ văn hóa dẫn đường tới nhà già Ya Đậu ở thôn Tà In (xã Tà Hine). Người dẫn đường cho biết cả vùng Loan này không mấy ai là không biết tới tài làm kèn bầu sáu ống của già Ya Đậu (78 tuổi), ngoài ra già còn có thể làm nhiều loại nhạc cụ của người Churu.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ giản dị già dường như ngượng ngùng vì trước giờ ít khi tiếp xúc với người từ xa tới.
Già Ya Đậu hoàn thành chiếc kèn bầu sáu ống truyền thống của người Churu |
Tiếng kèn bầu thiêng liêng
Kèn bầu là nhạc cụ được nhiều dân tộc ở Tây Nguyên (trong đó có người Churu) sử dụng trong hầu hết các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, tiếng kèn bầu như là phương tiện truyền tải tâm tư tình cảm của con người.
Hồi trẻ khi chưa bị vợ bắt về làm rể (người Churu sống theo chế độ mẫu hệ, sau khi cưới, con trai về ở rể nhà vợ), chàng trai Ya Đậu với khiếu âm nhạc từng làm say đắm bao cô gái Churu, khi thì với chiếc sáo, chiếc kèn bầu, hay cũng có lúc là tiếng réo rắt của tiếng đàn môi.
Từ niềm đam mê các nhạc cụ dân tộc mình, ngay từ thuở niên thiếu Ya Đậu đã học cách làm nhạc cụ từ những người đi trước. “Tôi học từ mấy già đi trước, không có cái gì ghi lại, ai có năng khiếu mới học được. Trước kia, nhà nào cũng có một chiếc kèn bầu để khi dùng việc này, lúc dùng việc khác. Nhưng giờ chỉ số ít các cụ già còn giữ thôi, dưới 50 tuổi hiếm người biết sử dụng lắm” - già Ya Đậu kể về chiếc kèn bầu trong cộng đồng của mình.
Với người Churu, tiếng kèn bầu giữa mênh mông núi rừng nghe thiêng liêng lắm, nó được dùng trong lúc cúng ruộng, làm rẫy, dùng để ru con, trong lễ đưa người quá cố về với Yàng (trời), trong các dịp lễ hội, tiếng kèn bầu còn thể hiện tình yêu đôi lứa theo chân các chàng trai, cô gái Churu ra bờ Ka Yòng hùng vĩ... Dù trong gia đình hay ngoài cộng đồng có việc gì cũng sử dụng tiếng kèn bầu, đó là âm điệu truyền tải cảm xúc, tình cảm giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, giữa người với Yàng,... “Dùng kèn bầu 6 ống mà ru trẻ nhỏ ngủ thì nhanh lắm” - già Ya Đậu vừa nói vừa nhìn sang đứa cháu ngoại đang nằm ngủ say trên tay vợ ông.
“Người ta muốn làm kèn bầu 6 ống thì phải đem quả bầu khô, sáp ong và ống lồ ô trên rừng đến chứ trong nhà tôi không có” - già Ya Đậu nói.
Mỗi chiếc kèn bầu sau khi đã có đầy đủ vật dụng, già Ya Đậu phải mất một tuần để hoàn thành. Quả bầu khô khoét lỗ ở bên hông, trên 6 ống lồ ô được dùi các lỗ nhỏ. Khó nhất là làm “lưỡi gà” (lá đồng tán mỏng hình lưỡi gà) sau đó khéo léo cho vào ống lồ ô, công đoạn này khó nhất bởi theo già Ya Đậu, lá đồng càng mỏng thì tiếng kèn càng hay, nhưng đồng mỏng thường dễ bị gãy, phải làm lại rất mất thời gian. Trải qua công đoạn tỉ mỉ ấy, ống lồ ô sau khi hoàn thành sẽ được đặt vào trong quả bầu khô, 4 ống phía trên có vai trò giữ giai điệu, 2 ống phía dưới dùng để đệm, bè. Âm thanh của kèn hay, dở đều nằm ở khâu quyết định đó. Sau cùng là dùng hỗn hợp sáp ong và nước trát lên các khe hở để kèn kín hơi khi thổi...
Người dân trong vùng cho rằng, tiếng kèn bầu của già Ya Đậu đặc trưng không giống với kèn nơi khác mang về, bởi những giai điệu quen thuộc của người Churu được cất lên trong nhạc cụ do người con Churu làm ra thể hiện được cái hồn giai điệu ở đó, mọi người đều rất tin tưởng mỗi khi nhờ già Ya Đậu làm kèn bầu. Già chẳng khi nào lấy tiền công, ai nhờ già làm hoặc sửa kèn thường biếu già khi thì vò rượu, con gà... xong đến đâu người ta lấy luôn đến đó, tiếng kèn bầu do già làm vang từ thung lũng này vươn qua những ngọn núi tới vùng xa nơi có đồng bào Churu sinh sống.
Tài làm nhạc cụ của già Ya Đậu còn thể hiện trên những nhạc cụ tiêu biểu của người Churu như kèn sừng trâu, đàn môi, sáo dọc bốn lỗ (kwao)..., già cũng chơi được nhiều bài cồng chiêng và sử dụng hầu hết những nhạc cụ truyền thống của người Churu.
Người ta luôn nhớ và tìm tới già Ya Đậu đầu tiên khi sắp có hội làng, lúc cần sửa hay làm mới một nhạc cụ của người Chu ru.
Trước nguy cơ thất truyền
Năm nay đã gần 80 tuổi, trong suốt cuộc đời chưa từng biết hoặc nghe tới hai từ “nghệ nhân”, già Ya Đậu vẫn cần mẫn gìn giữ nét truyền thống của dân tộc mình. Nhìn già vẫn còn khỏe lắm, đôi tay thoăn thoắt gọt, đẽo những nhạc cụ như hồi trai trẻ. Tuy nhiên, điều mà không ai chắc được sau này già mất thì ai sẽ có thể truyền lại cho con cháu đời sau. Được biết, cách đây khoảng 3 năm, UBND xã Tà Hine cũng từng mở lớp dạy làm và chơi nhạc cụ truyền thống do già Ya Đậu và những người lớn tuổi trong xã đứng ra dạy lớp trẻ, nhưng chỉ học được vài buổi là thanh niên Churu lần lượt bỏ vì “chán”, không sôi động như những loại hình giải trí hiện đại.
Cuộc sống thay đổi, tập quán canh tác, sinh hoạt tín ngưỡng cũng đổi thay theo thời gian, chính vì thế số người tâm huyết với giá trị truyền thống dân tộc mình không còn bao nhiêu.
Ở bốn xã vùng Loan này (theo cách gọi của người địa phương gồm: Ninh Loan, Đà Loan, Tà Hine, Tà Năng, sau này là 5 xã bởi Đa Quyn tách ra từ xã Tà Năng năm 2009 - nơi tập trung gần một nửa người Churu ở Lâm Đồng) giờ chỉ còn già Ya Đậu là có thể làm ra được những nhạc cụ truyền thống người Churu.
Khi được hỏi về tương lai chiếc kèn bầu hay những nhạc cụ không có người truyền dạy, già Ya Đậu chỉ cười, cúi xuống tiếp tục gọt ống lồ ô nhưng đôi tay chậm dần, giống như giai điệu buồn, xa vắng nao lòng của chiếc kèn bầu. Chúng tôi biết rằng đằng sau những đường gọt ấy hẳn còn chứa biết bao nhiêu nỗi lo về một giá trị truyền thống của người Churu nơi ông sinh sống đang bị mai một dần.
Báo Lâm Đồng