Xúc tiến hợp tác liên kết phát triển du lịch Lâm Đồng - Đồng Tháp - Cần Thơ

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Ngày 22/9, tại Cần Thơ, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị xúc tiến hợp tác liên kết phát triển du lịch Lâm Đồng - Đồng Tháp - Cần Thơ. Đây là dịp để các doanh nghiệp du lịch hai địa phương kết nối, thiết kế các chương trình hợp tác dựa trên thế mạnh đặc thù của hai bên, gia tăng sự hài lòng trong trải nghiệm cho du khách.

Xúc tiến hợp tác liên kết phát triển du lịch Lâm Đồng - Đồng Tháp - Cần Thơ ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thông tin: Tiếp theo 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, khắc phục khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho du lịch hoạt động thuận lợi ở trong nước và quốc tế. Mới đây, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP áp dụng từ 15/8/2023 cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả quốc gia, nâng thời gian lưu trú lên 90 ngày, kéo dài thời gian lưu trú cho công dân các nước được miễn thị thực đơn phương từ 15 ngày lên 45 ngày. Những thay đổi tích cực này, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các điểm đến khác trong khu vực và thế giới, thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển.

Với sự chủ động của các địa phương hoàn thiện chính sách, định hướng, dẫn dắt công tác xúc tiến thu hút khách du lịch, sự tích cực của các doanh nghiệp kết nối lại thị trường, tăng cường đầu tư xây dựng sản phẩm mới, ngành Du lịch Việt Nam đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Trong 8 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu du lịch tăng trưởng đáng kể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,8 triệu lượt (đạt 97,5% kế hoạch), khách du lịch nội địa ước đạt 86 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 482 nghìn tỷ đồng. Để có những hành động phù hợp với tốc độ tăng trưởng khách hiện nay, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã báo cáo, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thay đổi chỉ tiêu đón khách du lịch quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 đến 13 triệu lượt…

Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, các doanh nghiệp là xu hướng tất yếu và là nhiệm vụ tối quan trọng. Việc liên kết này cần dựa trên hai trụ cột: Thế mạnh của từng địa phương và sự chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ.

Xúc tiến hợp tác liên kết phát triển du lịch Lâm Đồng - Đồng Tháp - Cần Thơ ảnh 2Các đơn vị ký kết hợp tác tại Hội nghị. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Đại diện tỉnh Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Để tăng tốc phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững và với phương châm “Lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”, tỉnh xác định mục tiêu đẩy mạnh liên kết du lịch với các địa phương trong và ngoài nước, tạo nên các sản phẩm du lịch theo các chuỗi giá trị khép kín, gắn với phát triển xanh, bền vững.

Với tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa đa dạng, phong phú, ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch; thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch mới; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ và tăng cường quảng bá xúc tiến, liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch đến Lâm Đồng.

Thị phần khách du lịch nội địa từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% thị trường khách du lịch nội địa của tỉnh Lâm Đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Lâm Đồng đã đón và phục vụ hơn 6,5 triệu lượt khách, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ mong muốn 3 địa phương sẽ cùng nhau cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị di sản văn hóa của mỗi địa phương. Lâm Đồng - Cần Thơ - Đồng Tháp sẽ liên kết phát huy tài nguyên và nguồn lực của địa phương để phát triển sản phẩm liên kết vùng, phát triển thị trường ở những loại hình du lịch: nghỉ dưỡng, văn hóa, cộng đồng, canh nông, chăm sóc sức khỏe…

Thông tin tại sự kiện, ông Lê Quang Biểu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp có tiềm năng, tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn. Tiêu biểu là vùng đất ngập nước Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Di tích Xẻo Quýt nơi có hệ sinh thái rừng tràm nguyên sinh 20ha, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng với sân chim rộng hơn 36ha, Khu Di tích Gò Tháp - nơi lưu giữ dấu tích thành lũy của Vương quốc Phù Nam và các di chỉ của nền văn hóa Óc Eo… Đây là những tài nguyên vô giá và riêng có mà Đồng Tháp đang sở hữu, sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách trong hành trình kết nối tour giữa các địa phương.

Ông Lê Văn Biểu cho biết sự kiện du lịch “Festival Hoa kiểng Sa Đéc Lần thứ I, năm 2023” sẽ được tổ chức vào tháng 12/2023 tại thành phố Sa Đéc với chủ đề: “Tình đất - tình hoa”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết: Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long với du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, việc mở rộng phối hợp liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài nước luôn là ưu tiên hàng đầu. Cần Thơ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch của các địa phương kết nối một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Để việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương đi vào thực chất, có chiều sâu, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị ba địa phương cần phối hợp, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên kết đặc thù, hợp tác chặt chẽ, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương. Cụ thể hóa nội dung, hoạt động liên kết trong kế hoạch hằng năm để bố trí kinh phí triển khai thực hiện. Về nội dung liên kết, hợp tác, các tỉnh cần chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, có tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với du khách; đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, tăng cường quản lý điểm đến.

Bên cạnh đó, cần chú trọng chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch; phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và trục kết nối liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở. Các đơn vị cần chủ động tích hợp dữ liệu vào ứng dụng Du lịch Việt Nam, nền tảng số vietnam.travel và các mạng xã hội du lịch Việt Nam như Facebook, Instagram, Youtube… Các địa phương liên kết cần đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, ủng hộ các sáng kiến ứng dụng công nghệ mới.

Về phía Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Phạm Văn Thủy cho biết: Trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung tham mưu cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đổi mới, hoàn thiện cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt thúc đẩy các liên kết hợp tác công - tư; đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn, triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp bứt tốc, phát triển hiệu quả, bền vững.

Ánh Tuyết - Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm