Nhân dân xã Xuân Trường (Bảo Lạc) thu hoạch lúa nếp hương. |
VỀ MIỀN QUÊ CỦA NẾP ĐỒNG MU
Trong những ngày đầu đông, chúng tôi có dịp về thăm quê hương cách mạng xã Xuân Trường (Bảo Lạc). Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này cánh đồng Đồng Mu màu mỡ và nguồn nước dồi dào quanh năm chảy qua giữa cánh đồng, rất thích hợp cho các loại cây ôn đới phát triển. Xuân Trường không chỉ nổi tiếng với các giống lê nâu, lê xanh, tỏi thơm…, mà còn có gạo nếp hương hay còn gọi là nếp Đồng Mu, “khẩu nua hom”, nổi tiếng cả một vùng. Gạo nếp ở Cao Bằng có đến hàng trăm loại, thế nhưng để có thể xếp vào đặc sản thì chỉ có loại nếp hương ở Xuân Trường bởi mùi thơm đặc trưng hòa quyện hơi đất, hơi nước, phảng phất sự thơm nồng từ khi còn là hạt thóc trên những đồng ruộng.
Hỏi thăm những người có tuổi ở Xuân Trường về gốc tích của “khẩu nua hom”, chẳng mấy ai còn nhớ, họ chỉ được nghe kể lại rằng, giống nếp này đã có ở đây từ rất lâu, từ đời ông đời cha của những người lớn tuổi trong bản làng đã thấy có. Trước đây, nếp Đồng Mu cũng kén đất nên chỉ trồng được trên các rẻo ruộng cao, tưới bằng nguồn “nước trời”, bởi vậy năng suất thường rất thấp. Nguồn giống chủ yếu do người dân tự giữ từ năm này cho năm sau. Trong vùng, nhà ai cũng trồng giống nếp này nhưng chủ yếu chỉ để dùng trong gia đình vào những dịp lễ, tết hoặc làm quà biếu cho khách quý. Giống nếp này hạt to và tròn, trăm ngàn hạt đều như nhau và có mùi thơm rất lạ. Đến khi xát thành gạo, mùi thơm quyến rũ vẫn đọng lại trong từng hạt trắng ngần. Xôi nấu bằng thứ gạo quý hiếm này để đến 2 - 3 ngày vẫn dẻo, thơm. Đặc biệt, xôi nấu bằng nếp hương thì khách đi qua gầm sàn đã ngửi thấy mùi thơm đặc trưng.
Trên con đường bê tông thẳng tắp dẫn ra đồng, những cánh đồng lúa trĩu bông hạt mẩy vàng, báo hiệu mùa vàng bội thu. Bên đám ruộng của gia đình, anh Nông Văn Cao, xóm Nà Đoỏng hồ hởi: Gia đình tôi năm nay trồng trên 2.000 m2 gống lúa nếp hương. Hiện đã thu hoạch được trên 1.000 m2, năng suất ước đạt 45 tạ/ha, so với lúa tẻ năng suất không thấp hơn, giá thành gạo nếp cao gấp đôi, lúa gặt tới đâu là có Công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà thu mua tới đó, chúng tôi rất phấn khởi. Thời điểm hiện tại, thóc nếp hương được mua với giá 16.000 đồng/kg.
Tuy là gạo nếp đặc sản, giá trị kinh tế cao, nhưng những năm gần đây diện tích trồng giống lúa này có chiều hướng giảm dần do giống bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nhiều, năng suất giảm, bà con dần dần ít trồng nên khả năng “biến mất” của loại đặc sản này rất cao. Trước thực trạng đó, năm 2011, Dự án “Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống nếp hương Bảo Lạc” được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn gen giống lúa đặc sản nếp hương của địa phương làm cơ sở tiến tới xây dựng thương hiệu gạo nếp đặc sản của Cao Bằng. Theo kỹ sư Luân Thị Diệp, người nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống nếp hương Bảo Lạc, giống nếp hương Bảo Lạc được trồng tại xã Xuân Trường là loại gạo nếp ngon, có độ thơm, vị ngọt đậm đà khác với những loại gạo nếp khác.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU ĐẶC SẢN NẾP HƯƠNG BẢO LẠC
Sau khi hoàn thành Dự án “Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống nếp hương Bảo Lạc”, tháng 5/2015, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà xây dựng mô hình “liên kết 4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong sản xuất và tiêu thụ nếp hương Bảo Lạc.
Mô hình “liên kết 4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nếp hương Bảo Lạc được tiến hành tại 5 xóm vùng đồng của xã Xuân Trường, gồm: Thua Tổng, Bản Thán, Nà Đoỏng, Nà Chộc, Thiêng Lầu, trên diện tích 10 ha với 111 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được cấp 100% giống, phân bón NPK, thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn giống được sản xuất tại chỗ trên cơ sở thực hiện Dự án “Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống nếp hương Bảo Lạc”. Mô hình tổ chức các lớp tập huấn cho khuyến nông viên, các hộ dân tham gia mô hình và các hộ có nhu cầu sản xuất lúa nếp hương; qua tập huấn, nông dân nhận thức được những vấn đề cần lưu ý khi canh tác giống lúa nếp hương so với lối canh tác truyền thống trước đây như: Về lượng giống gieo trên đơn vị diện tích, số dảnh cấy/khóm, mật độ cấy, tuổi mạ…, đều giảm so với lối cấy cũ.
Chị Lưu Thị Tàm, xóm Thua Tổng, xã Xuân Trường cho biết: Tham gia mô hình, gia đình tôi trồng 1.500 m2 giống lúa nếp hương phục tráng, tôi được tập huấn những vấn đề cần chú ý trong canh tác giống nếp hương phục tráng, được cung cấp phân bón, giống lúa nên sau thời gian canh tác sản lượng đạt 43 tạ/ha, gia đình thu được trên 1.000 kg thóc; so với vụ lúa trước sản lượng tăng hơn 3 tạ/ha. Các loại sâu bệnh: đạo ôn, khô vằn, bệnh hoa cúc so với giống cũ đều giảm trên lúa nếp hương.
Để bà con yên tâm sản xuất, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà hoàn thành các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm Nếp hương Xuân Trường, Bảo Lạc. Đã hoàn thành lô gô, nhãn mác, bao bì và chuẩn bị kho, máy xay xát, phương tiện vận chuyển cho việc thu mua sản phẩm theo hợp đồng đã cam kết. Dự kiến sản lượng nếp hương mô hình là trên 40 tấn, Công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm theo nhu cầu đăng ký của bà con với giá 16.000 đồng/kg thóc.
Bà Đinh Thị Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Ngân Hà cho biết: Giống lúa nếp hương Bảo Lạc từ lâu đã được biết đến như là sản vật của Cao Bằng nhưng do trong quá trình canh tác giống lúa này ngày càng mai một. Khi tham gia mô hình “liên kết 4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nếp hương Bảo Lạc, Công ty mong muốn sẽ xây dựng được thương hiệu riêng của gạo nếp hương Xuân Trường, cung cấp ra thị trường loại gạo nếp hương đặc trưng của Cao Bằng giới thiệu đến khách hàng trong nước và quốc tế.
Việc phát triển thành công nếp hương Bảo Lạc mở ra hướng đi mới, tạo cơ hội cho nông dân mở rộng diện tích vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, tăng thu nhập. Với sự “liên kết 4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nếp hương Bảo Lạc thì việc đưa thương hiệu gạo nếp hương Bảo Lạc đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh không còn là quá xa xôi. Tuy nhiên, để sản phẩm gạo nếp hương Bảo Lạc, Cao Bằng trở thành hàng hóa có uy tín trên thị trường cần có sự hỗ trợ của các ngành liên quan trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, như mở các đại lý, đưa sản phẩm thâm nhập vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong và ngoài tỉnh.
Báo Cao Bằng